Những mục tiêu chiến lược cho sự phồn vinh của quốc gia

Những mục tiêu chiến lược cho sự phồn vinh của quốc gia

(GD&TĐ) - Chiều nay 31/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ cuối năm dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng. Tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nhà báo Việt Nam...

>>>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với báo chí tại buổi họp báo
Phó Thủ tướng Thường trực CP Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi họp báo

Năm 2010 – Phát triển trong sự phục hồi

Đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội của đất nước năm 2010, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết mặc dù đây vẫn là năm hồi phục kinh tế sau suy giảm, năm thứ 3 đất nước “đối phó” với cuộc khủng hoảng, nhưng có thể khẳng định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đặt ra trước đó đều đạt những kết quả đáng khích lệ.

Mục tiêu phấn đấu ban đầu về tốc độ tăng trưởng dự kiến 6,5%, nhưng số liệu do Tổng Cục thống kê công bố trước ngày cuối cùng của năm 2010 đã là 6,78%;  giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% so với năm trước và cao hơn kế hoạch năm (12%); đặc biệt, theo Phó Thủ tướng TT, nông nghiệp đã đóng góp 19 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam, góp phần không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. 

nông nghiệp đã đóng góp 19 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam
Nông nghiệp đã đóng góp 19 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam

Bên cạnh đó, năm 2010 còn là năm “được mùa” về du lịch với trên 5 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam. “Mỗi người mang đến 1 ngàn đến 1,5 ngàn USD thôi thì chúng ta đã có 5 – 7 tỷ USD cho nền kinh tế” - Phó Thủ tướng phân tích.

Cùng với du lịch, dịch vụ thương mại cũng phát triển mạnh; trong đó phải kể đến chương trình “người Việt dùng hàng Việt” đã đem lại những hiệu quả to lớn, kích thích ngành sản xuất nội địa phát triển mạnh mẽ...

Với những thành quả đạt được trong nỗ lực phục hồi và phát triển nền kinh tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đưa Việt Nam là một trong những tấm gương sáng trong nền kinh tế thế giới hiện tại. Tháng 10 và tháng 11 thị trường kinh doanhViệt Nam tăng 16 bậc trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đứng thứ 59 trên thế giới. Điều quan trọng hơn, năm 2010 đánh dấu bước ngoặt lớn: Cơ bản Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình trên thế giới với GDP đạt được là 1.168 USD/người trong năm qua.

Mục tiêu giảm 10% hộ nghèo trong năm 2011

Hội nghị Liên Hợp Quốc đánh giá về các chỉ tiêu Thiên niên kỷ diễn ra vào nửa cuối năm 2010 đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ với thích tích đặc biệt trong việc giảm các hộ nghèo. Hiện nay số hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn chỉ còn 24% là một thành quả không thể phủ nhận giữa lúc nền kinh tế phải gồng mình trước “cơn bão” khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 78 ngàn ngôi nhà dột nát của các hộ nghèo ở 62 huyện nghèo nhất nước cơ bản đã được giải quyết xong. “Chậm nhất trong quý I năm 2011, những căn nhà cuối cùng sẽ được hoàn tất để giao cho bà con sử dụng”, Phó Thủ tướng TT cho biết.

Mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm nay phải phấn đấu chỉ tiêu hộ nghèo giảm khoảng 10%. “Khó, nhưng phải làm bằng được”, Phó Thủ tướng TT nhấn mạnh. Đó cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta khi đồng thời với phục hồi kinh tế là bảo đảm an sinh xã hội, cương quyết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Đó cũng là điểm đặc thù của chế độ XHCN mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng.

Mục tiêu hàng đầu vẫn là bình ổn kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát

Đánh giá về năm 2011, Phó Thủ tướng TT cho biết Chính phủ đã nhận định chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lớn đến thế để thực hiện mục tiêu phát triển. Tiềm lực kinh tế đã thay đổi, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước nghèo. Sự phát triển của đội ngũ doan nghiệp daonh nhân, của thế hệ trẻ, của toàn dân quyết tâm đổi mới. Lực bên trong đã mạnh lên. Lực bên ngoài cũng rất thuận lợi với những đỉnh cao đạt được trong năm “đối ngoại” của đất nước năm 2010. An ninh quốc phòng không ngừng được tăng cường theo hướng tiên tiến, hiện đại. “Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều thuận lợi lớn như thời điểm này. Thế giới đã thực sự coi Việt Nam là điểm đến. Ngoại giao và quốc phòng là điểm bứt phá của đất nước trong năm 2010, bên cạnh những thành quả từ sự phục hồi kinh tế. Nhưng cần phải nhìn nhận rõ những thách thức. Cần nhìn đúng những hạn chế, phải tạo được sự ổn định về chính trị, quôc phòng an ninh thì kinh tế mới tiếp tục phát triển được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Đây là mục tiêu hàng đầu
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu

Để tận dụng các cơ hội, vượt qua các thách thức trở ngại, đưa nền kinh tế đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn để có những bước phát triển mới hướng tới sự bền vững, Chính phủ đã đề ra 4 mục tiêu lớn trong năm 2011, đồng thời cũng chính là thông điệp đầu năm của Chính phủ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015, 4 mục tiêu này bao gồm: 

Thứ nhất: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Đây là mục tiêu hàng đầu, nhất quán cả năm 2011 với nhiệm vụ đề ra là phải điều hành sự ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn và kiềm chế lạm phát hiệu quả hơn nữa.

Thứ hai: Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch một bước cơ cấu kinh tế để tạo ra một sự phát triển nhanh nhưng bền vững với mức tăng trưởng đề ra từ 7 đến 7,5%.

Thứ ba: Tiếp tục thực hiện tốt, bảo đảm giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế; từ đó cải thiện đời sống vật chất tinh thần người dân thêm một bước nữa.

Thứ tư: Bảo đảm quốc phòng an ninh,. tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại để không ngừng nâng cao vụ thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đi kèm 4 mục tiêu trọng tâm này, Chính phủ cũng đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để tiếp tục đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển. Trong đó đáng chú ý có giải pháp về chuyển đổi kinh tế vĩ mô và giải pháp kiềm chế lạm phát. Đối với 2 giải phảp này, Chính phủ đặt nhiệm vụ quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách, tiếp tục thực hiện giá thị trường, trong đó giá điện sẽ phải điều chỉnh theo yêu cầu của phát triển nền kinh tế. Giải pháp này cũng đặt ra vấn đề phải cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp hiện có, theo hướng bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, đổi mới về dây chuyền sản xuất và quản lý, đặt biệt là những doanh nghiệp nhà nước; phải xiết chặt quản lý hệ thống doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và có yếu tố nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (hiện cả nước có trên 7000 dn như vậy đang hoạt động).

Trong giải pháp về nguồn lực lao động, Chính phủ đặt ra yêu cầu phải đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển tòan diện; chăm lo từ đội ngũ phổ thông đến ĐH. Về vấn đề này, Phỏ Thủ tướng cho biết Chính phủ đã cho phép một số trường ĐH nước ngoài đầu tư hợp tác vào Việt Nam. “Đó là chiến lược dài hơi của đất nước, thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo tri thức cho nước nhà”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc buổi họp báo cuối cùng của năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng không quên đánh giá cao  báo chí nước nhà thời gian qua đã có những đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền, định hướng, góp phần quan trọng vào nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân khắc phục các khó khăn, đưa nền kinh tế đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển trong khi vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị, an ninh xã hội.

Nhất Nguyên
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...