Những lưu ý giúp đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đạt kết quả tốt nhất

GD&TĐ - Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh, năm nay, dể đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất, thí sinh cần lựa chọn hợp lý 2 trường và 2 ngành trong mỗi trường phù hợp với nguyện vọng và kết quả thi.

Những lưu ý giúp đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đạt kết quả tốt nhất

Do năm 2016 không được điều chỉnh thông tin đã đăng ký nên thí sinh phải cân nhắc hết sức cẩn thận khi đăng ký. Cơ sở để xác định nguyện vọng là: Kết quả thi, nguyện vọng của bản thân, so sánh phổ điểm năm 2016 và 2015 và điểm trúng tuyển vào các ngành năm 2015;

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước mỗi đợt xét tuyển, các trường phải công bố công khai cách xét giữa các tổ hợp trong mỗi ngành dùng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển. Thí sinh căn cứ vào thông tin này để chọn tổ hợp môn thi có lợi nhất để đăng ký xét tuyển.

Mặc dù cần cân nhắc cẩn thận trước khi đăng ký, tuy nhiên thí sinh không nên chờ đến cuối đợt mới đăng ký vì năm nay thí sinh có thể đăng ký nhiều trường nên thông tin về ĐKXT ở mỗi trường sẽ không có nhiều giá trị để tham khảo như năm 2015. Mặt khác, ĐKXT trực tuyến sẽ kết thúc trước 1 ngày so với quy định.

Lưu ý khi điền thông tin vào Phiếu ĐKXT

 Về việc sửa chữa các sai sót đăng ký xét tuyển, thí sinh lưu ý: Trường chỉ sửa những nội dung trường nhập sai so với Phiếu ĐKXT của thí sinh. Các lỗi do thí sinh đăng ký sai trường không có trách nhiệm phải sửa (để không vi phạm vào quy định: sau khi nộp ĐKXT, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng).

Thí sinh cần lưu ý điền đúng và đầy đủ thông tin cá nhân để trường có thể nhận được dữ liệu thi dùng cho xét tuyển một cách chính xác. Khuyến khích thí sinh nộp kèm theo Phiếu ĐKXT, bản sao của Giấy chứng nhận kết quả thi;

Thí sinh cần điền chính xác địa chỉ cũng như số điện thoại liên hệ để trường gửi Giấy gọi nhập học cũng như có thể liên hệ trong quá trình xét tuyển;

Thí sinh diện “ưu tiên xét tuyển” phải điền thêm thông tin trong mục “Diện ưu tiên xét tuyển” để trường có cơ sở cộng điểm khi xét tuyển;

Thí sinh cần điều chỉnh chế độ ưu tiên phải điền thông tin vào các mục tương ứng và nộp cho trường các minh chứng để chứng minh mình được hưởng chế độ ưu tiên;

Nếu thí sinh đăng ký nhiều hơn 1 trường, cần đánh dấu vào mục: "Có đăng ký xét tuyển vào trường khác" và điền mã trường thứ 2 vào mục tương ứng để các trường có căn cứ lọc ảo;

Lưu ý: khi đăng ký xét tuyển vào nhóm trường, thí sinh phải điền thông tin vào Phiếu ĐKXT do nhóm trường quy định. Hiện nay cả hai nhóm trường đều thiết kế Phiếu ĐKXT dựa trên mẫu Phiếu ĐKXT do Bộ Ban hành. Có 3 điểm khác biệt là:

Số ngành trong mỗi Phiếu ĐKXT được điền tối đa là 4 ở đợt 1 và 6 ở các đợt bổ sung. Nếu thí sinh đăng ký vào nhiều trường trong nhóm (tối đa là 4 trường ở đợt 1 và 6 trường ở các đợt bổ sung) chỉ được dùng 1 phiếu, trong đó mỗi ngành phải điền đồng thời mã trường và mã ngành (nhóm ngành); Nhóm GX và nhóm Đại học Đà Nẵng quy định: mỗi trường trong nhóm thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 ngành (nhóm ngành).

Chỉ khi thí sinh đăng ký thêm vào một trường nằm ngoài nhóm (và như vậy số trường trong nhóm chỉ được đăng ký tối đa 1 trường ở đợt 1 và 2 trường ở các đợt bổ sung) với đánh dấu vào mục: "Có đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm".

Sửa đổi chế độ ưu tiên và kiểm tra kết quả ĐKXT

Thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh chế độ ưu tiên trong tuyển sinh cần thực hiện đăng ký xét tuyển qua đường Bưu điện hoặc trực tiếp tại trường (nếu trường có công bố phương thức này). Đăng ký trực tuyến không hỗ trợ chức năng thay đổi chế độ ưu tiên.

Khi điều chỉnh chế độ ưu tiên, thí sinh phải điền thông tin vào Phiếu ĐKXT và nộp kèm theo các minh chứng để xác nhận việc được hưởng chế độ ưu tiên. Cụ thể:

Để điều chỉnh chế độ ưu tiên khu vực cần nộp bản sao học bạ (nếu khu vực ưu tiên được hưởng căn cứ theo nơi học và tốt nghiệp THPT) hoặc bản sao Sổ hộ khẩu (nếu khu vực ưu tiên được hưởng căn cứ theo hộ khẩu thường trú).

Để điều chỉnh chế độ ưu tiên theo đối tượng cần cung cấp đầy đủ các giấy chứng nhận và giấy khai sinh, cụ thể:

Con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh: nộp bản sao giấy khai sinh kèm theo bản sao giấy chứng nhận (liệt sỹ, thương binh, bệnh binh);

Con của người hoạt động kháng chiến bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, cần nộp bản sao giấy khai sinh kèm theo bản sao Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước tặng huân, huy chương kháng chiến hoặc chiến thắng;

Đối với trường hợp được hưởng chế độ ưu tiên theo đối tượng là quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ, chỉ cần gửi bản sao Quyết định xuất ngũ (không cần nộp bản sao giấy khai sinh).

Sau khi nộp ĐKXT và các trường đã nhập dữ liệu ĐKXT vào hệ thống, thí sinh có thể xem và kiểm tra được nội dung ĐKXT của mình. Để có thể thực hiện điều này, thí sinh sử dụng mã truy cập (đã được cấp khi đăng ký dự thi) cùng với số chứng minh nhân dân để truy cập vào hệ thống. Trường hợp phát hiện các sai sót do trường nhập không chính xác, thí sinh có thể yêu cầu trường phải sửa lại.

Lệ phí xét tuyển
Mức phí dự tuyển được quy định tại Thông tư liên tịch số 40/2015/TTLT- BTC-BGDĐT là 30.000 đồng/hồ sơ đăng ký dự tuyển.
Như vậy kèm theo mỗi Phiếu ĐKXT, thí sinh phải nộp phí dự tuyển là 30.000 đồng cho trường. Trường hợp thí sinh đăng ký vào nhóm trường, mức Phí dự tuyển phải nộp là:
Đối với xét tuyển đợt 1: nếu đăng ký 1 trường trong nhóm, nộp 30.000 đồng; từ 2 trường trở lên (từ 2 đến 4 trường và không được đăng ký thêm trường ngoài nhóm) trong nhóm thí sinh phải nộp phí dự tuyển là 60.000 đồng.
Đối với xét tuyển đợt bổ sung: nếu đăng ký 1 trường trong nhóm, nộp 30.000 đồng; 2 trường trong nhóm, thí sinh phải nộp phí dự tuyển là 60.000 đồng; từ 3 trường trở lên (từ 3 đến 6 trường và không được đăng ký thêm trường ngoài nhóm), thí sinh nộp phí dự tuyển là 90.000 đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...