Chào đón công nghệ
Hiện, xu hướng công nghệ hàng đầu được coi là công nghệ của trí thông minh nhân tạo, những công dân trẻ tuổi trên toàn thế giới mong đợi cuộc sống của họ sớm có nhiều chuyển biến liên quan đến những công nghệ dạng này. Họ cũng hy vọng rằng trong những năm tới, con người sẽ có những công nghệ chăm sóc y tế và giáo dục vượt trội. 86% người được hỏi đều tin rằng công nghệ mới sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhiều thách thức, nhiều cơ hội. Nhưng họ cũng rất thận trọng, rất nhiều người bày tỏ quan ngại về bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng những dịch vụ trực tuyến. 70% số người thực hiện khảo sát cho biết, nếu họ nghi ngờ, họ sẵn sàng gỡ bỏ các ứng dụng mới.
Người trẻ thực sự quan tâm đến đất nước
Khi được hỏi về vấn đề nổi cộm hàng đầu của đất nước họ, khá ngạc nhiên là những người trẻ tuổi trên toàn thế giới đều lựa chọn câu trả lời giống nhau, đó là vấn nạn tham nhũng. Những người trẻ tuổi có một mong muốn giống nhau, họ muốn đất nước mình toàn vẹn, một bộ máy lãnh đạo trung thực, liêm chính và minh bạch. Khi nói đến những kỳ vọng về cấp trên và các đồng nghiệp, họ cũng cho biết họ coi trọng nhất là sự cương trực, liêm chính, trung thực.
Người trẻ coi mình là công dân toàn cầu
Những người trẻ tuổi này có cái nhìn sâu, rộng, khi được hỏi họ cảm thấy vai trò của mình là gì, họ xác định mình là công dân toàn cầu và mọi người trên thế giới cùng có chung vận mệnh. Họ quan tâm đến những vấn đề không chỉ trong đất nước của họ mà quan tâm cả đến những vấn đề có tính chất toàn thế giới. Đồng thời, những người trẻ trên khắp thế giới đã chứng tỏ được sự đồng cảm tuyệt vời cho những người kém may mắn hơn mình, cụ thể là những người tị nạn.
74% số người được hỏi đều nói rằng họ sẽ chào đón những người tị nạn đến quốc gia của họ, hơn 20% nói rằng họ sẵn sàng cho những người tị nạn đến ở nhờ trong nhà của mình. Theo tổng kết, giới trẻ Mỹ dẫn đầu thế giới về mức độ đồng cảm với 89% những người được hỏi vui vẻ trả lời rằng, họ sẽ chào đón những người tị nạn đến đất nước của họ. Khi được hỏi làm thế nào để có chính sách phù hợp dành cho người tị nạn, hầu hết những người trẻ tuổi tham gia khảo sát cho rằng chính phủ cần tích hợp những người tị nạn vào lực lượng lao động của quốc gia, hỗ trợ họ ở mức cao nhất có thể.
Biến đổi khí hậu, mối đe dọa khủng bố, chiến tranh
Nhóm những người trẻ được hỏi này cho biết họ có cái nhìn khá lạc quan về những năm sắp tới mặc dù những sự kiện tiêu cực vẫn đang liên tục xảy ra. Những người này cho rằng, vấn đề cần được quan tâm nhất là biến đổi khí hậu, thiên nhiên bị tàn phá liên tục, tiếp đến là các mối đe dọa về khủng bố, chiến tranh và cuối cùng là xung đột tôn giáo, sắc tộc.
Những lo ngại
Không khó để nắm bắt được giới trẻ thế giới đang quan tâm đến điều gì bởi tất cả đều được thể hiện rõ rệt trên Facebook, mạng xã hội ảo đã dần trở thành mạng xã hội “thật”. Ở một góc nhìn nào đó, có nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ Việt nói riêng đang dần đánh mất đi giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc để “chạy theo” những giá trị văn hóa “ngoại lai”. Hầu hết đó là ý kiến đánh giá của những người đi trước, tuy nhiên giới trẻ lại có những lý lẽ riêng để phản biện lại, bảo vệ cho quan điểm của mình.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn đúng đắn về mối quan tâm của những người trẻ Việt đối với văn hóa nước nhà. Trong vài năm trở lại đây, trên thị trường văn hóa giải trí ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm khai thác yếu tố dân tộc. Bên mảng phim ảnh, có “Tấm Cám”, “Cô Ba Sài Gòn” (Ngô Thanh Vân đạo diễn), “Mẹ chồng” (Lý Minh Thắng đạo diễn) trên màn ảnh rộng, phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” (do nhiều đơn vị phối hợp sản xuất, nhà sử học Dương Trung Quốc cố vấn), phim hoạt hình ngắn “Tử chiến thành Đa Bang” (tập một mang tên “Giấy”, do dự án “Việt Sử Kiêu Hùng” thực hiện)…
Làm ra một sản phẩm văn hóa, nhất là sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống, khiến mọi người muốn bỏ tiền ra mua thì sức sống của sản phẩm đó sẽ lâu dài hơn, bởi kinh doanh văn hóa chính là cách tốt nhất để phát triển văn hóa. Không thể phủ nhận, những tác phẩm có chăm chút như vậy thể hiện lòng yêu quý và tâm huyết của người Việt trẻ với các yếu tố văn hóa dân tộc. Việc đưa các yếu tố này vào những sản phẩm văn hóa mới cũng mang lại sức sống mới, lượng công chúng mới cho những yếu tố cổ nhưng chưa hề mất đi giá trị.