Giám sinh luôn nhận được những ưu đãi đặc biệt của các triều vua.
Điển hình như vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), khi định lệ thưởng cho các quan nhân dịp Tết Nguyên đán, vua Minh Mạng đã sai thưởng cho giám sinh Quốc Tử Giám mỗi người 10 quan tiền.
Quan bộ Hộ là Nguyễn Hữu Thận bàn rằng thưởng như thế là quá hậu, nhà vua trả lời rằng: “Cho con hát đàn bà hầu hạ thì không nên hậu, chứ học trò của báu của nhà nước, ngày nay nuôi để ngày khác dùng, há chẳng nên hậu hay sao?”.
Quốc Tử Giám được triều Lý thành lập từ năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông, ở bên cạnh Văn Miếu, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Thời Lê, đây là nơi đào tạo nên hàng vạn nho sinh, với cả nghìn tiến sĩ, cung cấp số lượng nhân sự đông đảo cho bộ máy quan lại triều đình.
Triều Nguyễn, trường Quốc Tử Giám chỉ được dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821). “Đại Nam thực lục” chép rằng: “Bắt đầu dựng Quốc Tử Giám (ở giữa Giảng đường, đằng trước làm Di Luân đường, hai bên tả hữu làm phòng ở cho tôn sinh, giám sinh)”.
Sử triều Nguyễn cũng cho biết, ngay sau khi mới lên ngôi (năm 1820), vua Minh Mạng đã sai dinh thần Quảng Đức (tức Thừa Thiên – Huế, nơi đặt kinh đô) gọi thợ và sắm gỗ để dựng trường Quốc Tử Giám, nhưng do có bệnh dịch nên việc phải đình lại, đến năm Minh Mạnh thứ 2 mới xây dựng.
Đầu năm đó, sau lễ tế Trời Đất ở đàn Nam Giao, rước vua Nguyễn Thế Tổ (vua Gia Long) lên phối hưởng, vua Minh Mạng ngự điện Thái Hòa nhận lễ mừng của các quan, rồi ban ân chiếu bố cáo trong ngoài, trong đó có điều khoản: “Những người đã nộp quyển để dự sát hạch vào lớp cao đẳng ở Quốc Tử Giám từ năm Minh Mạng thứ 2 trở về trước, thì các viên Tế tửu, Tư nghiệp cho gọi đến mà ra bài thi ở trước mặt, lấy trúng 100 người, chia làm ba hạng ưu bình thứ, làm danh sách do bộ Lễ đề đạt để cho làm giám sinh, cấp cho tiền gạo theo thứ bậc khác nhau”.
Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua sai bộ Lễ truyền dụ rằng Hương cống các khoa mà thi Hội không trúng cách, nếu có tình nguyện ở Quốc Tử Giám học tập thì bổ làm giám sinh, cấp cho lương lẫm; ai muốn về quê hương cũng cho. Người nào chưa dự thi Hội thì bộ Lễ sẽ tư đòi mùa Thu năm đó đến Kinh xét hạch, đúng thực thì vẫn tuân dụ chỉ cho theo sở nguyện.
Sau đó lấy được 27 người giám sinh, cấp cho lương tháng (mỗi tháng 3 quan tiền, 2 phương gạo, 5 cân dầu). Vua dụ rằng: “Đó là ý trẫm săn sóc văn học, cốt cầu người thực dụng. Tế tửu, Tư nghiệp phải hết trách nhiệm làm thầy, hết lòng dạy bảo. Giám sinh các ngươi cũng phải dùi mài để được nên công, ngõ hầu không phụ ý tốt chấn hưng văn học, gây dựng nhân tài của trẫm”.
Hạn định về khảo khóa các giám sinh ở Quốc Tử Giám được ban hành vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Theo đó, cứ bốn tháng trọng (tháng giữa các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông) sẽ lấy thượng tuần của tháng mà khảo hạch giám sinh, trung tuần làm danh sách do bộ đề tâu.
Nhà vua cũng ra sắc rằng phàm học sinh do các địa phương cống cử đã được chuẩn làm giám sinh thì được miễn thuế thân, lại cấp cho mũ áo (mũ văn tú tài bằng ô sa, áo dài bằng vải đen viền bảo lam, cổ bằng lĩnh trắng, xiêm bằng lụa lam).
Đến năm thứ 5 (1824), vua Minh Mạng bắt đầu sai Quốc Tử Giám chọn cử lấy 10 người giám sinh mà văn học giỏi giang có thể cho làm quan được, giao bộ Lễ sát hạch, bộ Lại nghị bổ, chuẩn cho người nào quê từ Quảng Bình trở vào Nam thì bổ Hàn lâm viện Kiểm thảo hay Điển bạ sung làm hành tẩu ở Văn thư phòng, quê ở Nghệ An trở ra Bắc thì bổ Tư vụ sáu bộ.
Năm sau, nhà vua lại sai quan Quốc Tử Giám chọn cử giám sinh, tuỳ tài bổ dụng, và dụ rằng: “Quốc Tử Giám là nơi chứa nhân tài, gần đây đặt sinh viên, cho ăn lương hậu, bồi dưỡng gây dựng cũng đã chu đáo lắm; các giám sinh tọa giám trước sau, đến nay thấm nhuần ân trạch giáo hóa, cũng đều đã có thành tài. Vậy hạ lệnh Tế tửu, Tư nghiệp lấy công bằng kén chọn lấy 30 người học vấn rộng văn chương hay có thể dùng được mà tâu lên”. Sau đó, vua sai bộ Lễ bàn định phép khảo hạch.
Tuy nhiên, khóa khảo hạch đó đã không chọn được một người nào đạt hạng ưu. Vua Minh Mạng không vui lòng, bảo thị thần rằng: “Trẫm nuôi nấng nhân tài để dùng làm việc nhà nước sau này. Nay 30 người ứng hạch mà không được người nào đáng lấy, bọn ấy còn dùng làm gì được. Muốn truất cả đi”.
Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức tâu xin lấy 3 người hạng bình bổ làm Hàn lâm viện Đãi chiếu, còn hạng thứ lại cho về lại Quốc Tử Giám học tập, hạng liệt thì cách đi cho về quê. Vua nghe theo lời bàn này.
Sau đó có giám sinh khiếu nại về việc khảo hạch không công bằng, khiến vua cách chức Thự (tức là quyền) Tế tửu Quốc Tử Giám là Trần Trọng Huyến và thự Tư nghiệp là Thân Văn Quyền, rồi sai Tham tri Nguyễn Đặng Tuân và Ký lục Vũ Huy Đạt sung làm chủ khảo, Thiêm sự Trương Minh Giảng cùng hơn 10 vị quan khác sung làm phân khảo, đến Di Luân đường họp các sinh viên tọa giám để khảo hạch lại.
Lần này, xét được ưu hạng là bọn Nguyễn Quốc Tá 7 người, bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo; bình hạng vẫn ở lại học tập; thứ hạng thì đình lương 1 tháng; liệt hạng cùng người cáo ốm trốn hạch là 52 người đều cách về. Sau đó 18 người giám sinh bị cách là bọn Lê Vạn Hanh tình nguyện xin được theo các bộ để học tập. Nhà vua sai chia bổ 18 người này làm vị nhập lưu Thư lại ở sáu bộ, hằng tháng cấp cho tiền 1 quan, gạo 1 phương.