Chuyện quan cõng bô lão thời vua Minh Mạng

GD&TĐ - Vua Minh Mạng từng nói: “Chính sách của vương giả lấy việc dưỡng lão làm đầu”, nên các triều đại phong kiến đều luôn quan tâm đến người cao tuổi, vào các kỳ lễ lớn của đất nước, người dân thọ từ 70 tuổi trở lên đều được ban thưởng.

Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, lệ ban thưởng “thọ quan” và “thọ dân” thời Nguyễn bắt đầu được quy định vào dịp Tết Nguyên đán năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Vua dụ bộ Lễ rằng: “Thượng cổ đều lấy trăm tuổi là kỳ hạn. Song từ trước đến nay, thọ đến 70 tuổi đã khen là ít có. Huống chi thọ tới 100 tuổi, được đến tuổi “kỳ dị” như thế thực là điều tốt của người buổi thái bình. Trẫm mong nước và dân trường thọ để được thấm nhuần ơn lớn”.

Do đó, nhà vua yêu cầu từ năm đó về sau, các chức quan lớn nhỏ, tuổi 80 trở lên, thì cho đề tâu rõ ràng, đợi chỉ để thưởng cấp tiền lụa theo thứ bậc. Quan nhất nhị tam phẩm mà thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ ngũ lục phẩm thì 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; thất bát cửu phẩm thì 60 lạng bạc, 6 tấm lụa. Mệnh phụ thì chiếu phẩm mà giảm 1 phần 3 so với chồng. Tất cả các thọ quan đều được cấp cho biển ngạch, dựng đình ở cửa làng để nêu khen. Lại cách ngoại gia thêm quan hàm và thưởng thêm ghế, gậy, đồ vặt, gấm, đoạn, vàng, lụa. Thọ 110 tuổi thì lại thêm 50 lạng bạc, 5 tấm lụa; cứ thêm 10 tuổi thì số tiền lụa lại gấp đôi lên, thưởng cấp hậu thêm.

Còn với các bậc sĩ lưu, hương trưởng mà thọ 100 tuổi thì thưởng 30 lạng, vải lụa đều 5 tấm, cũng cho biển ngạch và dựng đình treo biển. Đàn ông thọ 100 tuổi thì thưởng 30 lạng bạc, vải lụa mỗi thứ 3 tấm, đàn bà thọ 100 tuổi thì thưởng 20 lạng bạc, lụa vải đều 2 tấm; đều được cấp biển treo ở chỗ ở. Trở lên, cứ thêm 10 tuổi thì thưởng thêm 10 lạng bạc. Nơi nào có người già thọ như thế thì quan thủ hiến và trưởng quan phủ huyện, phải thường xuyên hỏi thăm, đầu năm sai người đến nhà cấp rượu thịt, để tỏ rõ cái chí ưu dưỡng người già. Chữ biển ngạch thọ quan và sĩ lưu thì tới kỳ tâu xin triều đình sắc cho, chữ biển ngạch của dân đàn ông thì khắc hai chữ “Thọ dân”, của đàn bà thì khắc hai chữ “Trinh thọ”.

Tranh vẽ vua Minh Mạng trong sách của John Crawfurd.
Tranh vẽ vua Minh Mạng trong sách của John Crawfurd.

Theo lời dụ của các vua, mùa xuân năm đó các địa phương dâng danh sách tâu lên, thọ dân 100 tuổi trở lên trong cả nước có tới hơn 100 người, trong đó chi tiết Quảng Trị có thọ nam 9 người, thọ phụ 24 người; Quảng Bình thọ nam 1 người, thọ phụ 2 người; Quảng Nam thọ nam 27 người, thọ phụ 10 người; các trấn hạt Gia Định thọ nam 5 người, thọ phụ 2 người; Nghệ An thọ nam 6 người, thọ phụ 4 người; các trấn Bắc Thành, thọ nam 5 người, thọ phụ 9 người; Quảng Đức (Thừa Thiên), thọ phụ 6 người; Thanh Hoa (sau đổi là Thanh Hóa), thọ phụ 1 người. Vua sai bộ Lễ chiếu lệ nêu thưởng tất cả.

Có 8 người thọ dân ở Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Bình, vì danh sách tâu chậm, đã bị bệnh chết trước khi được vua thưởng. Vua nghe tin nói: “Tuổi tác là cái quý trong thiên hạ từ lâu. Chính sách của vương giả lấy việc dưỡng lão làm đầu. Đời Hán ban chiếu lệnh ở Sơn Đông thì những người già xin thong thả đừng chết vội để xem đức hóa. Nay địa phương kinh kỳ có người tuổi cao như thế mà lại để cho thân không kịp hưởng phước trạch thái bình, đó là tội của quan địa phương”. Do đó, dinh thần các trấn này đều bị giáng một cấp.

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 15 (1814), nhà vua tuần du Quảng Trị, ngự ở hành cung, bảo quan hầu rằng: “Ngày trước, ta đi thuyền đến phận sông xã Ngô Xá (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong ngày nay), trông thấy một người đàn bà già, sai hỏi tuổi, thì người ấy nói rằng 117 tuổi. Chưa biết có xác thực hay không, nhưng đại phàm người ở chỗ mạch đất, núi sông thanh tú thì phần nhiều thọ, hoặc giả cũng có lý đấy!”.

Khi nhà vua dong xe đi xem tường thành mới xây đắp, thấy các kỳ lão thuộc hạt Quảng Trị đang đứng đón, nhà vua dừng xe lại, cho họ chiêm bái. Các cụ già có người đi chậm, không theo kịp, quan phủ huyện phải cõng đi.

Nhà vua nhìn thấy thế, cười, nói rằng: “Lũ ấy (các quan phủ huyện) ngày thường làm cha mẹ dân, nay cõng người già đến chiêm bái, thì hầu như con của dân rồi!”. Nhân đó, vua sai Hoàng tử Vĩnh Tường công Miên Hoành hỏi tuổi các cụ già, được biết có 5 người 100 tuổi trở lên. Vua cười nói: “Góp tuổi 5 ông lão lại, đúng là thời kỳ thịnh vượng, có thánh nhân ra đời”. (Theo thuyết cũ của Trung Quốc, sông Hoàng Hà 500 năm một lần nước trở nên trong, tượng trưng cho thời kỳ thịnh, có thánh nhân sinh ra). Vua bèn sai ban ngân tiền Phi Long hạng lớn 5 đồng cho những người 100 tuổi trở lên, 4 đồng cho những người 90 tuổi trở lên, 3 đồng cho những người 80 tuổi trở lên, 2 đồng cho những người 70 tuổi trở lên. Duy có một người thọ 107 tuổi được đặc cách ban cho một đồng kim tiền Phi Long hạng lớn.

Vui mừng với chuyến tuần du, gặp gỡ kỳ lão Quảng Trị, vua Minh Mạng dụ Nội các rằng: “Ta nay kính rước Từ giá (Hoàng thái hậu) đi tuần du Quảng Trị, lúc kiệu đến, lúc kiệu dừng, già trẻ ai cũng khoa chân múa tay vui mừng đón rước. Vả, dân hạt này vốn có tiếng là thuần phác, tha thiết tôn vua, thân người trên. Nay cờ mao vũ tới nơi, chính là lúc nên ban ơn điển rộng khắp. Vậy, về thuế thân đóng thu năm nay, hồi đầu xuân đã giảm cho 3 phần 10, nay lại giảm cho 2 phần nữa, để rộng lòng nhân của Từ cung, khiến cho dân chúng đều thỏa lòng mong ngóng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.