Vua Minh Mạng và khát vọng tìm Trạng nguyên

GD&TĐ - Nhiều tư liệu lịch sử về triều Nguyễn thường nhắc đến quy định “tứ bất lập” hay “ngũ bất lập”: Không lập Tể tướng, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, không phong Vương cho người ngoài, không lấy Trạng nguyên.

Cảnh lều chõng tại Trường thi Nam Định.
Cảnh lều chõng tại Trường thi Nam Định.

Tuy nhiên, nghi vấn lịch sử “không lấy Trạng nguyên” có vẻ không chính xác. Điều này thể hiện ở các tài liệu chính sử, cũng như qua bài thơ “Khẩu hiệu khuyến hội thí sĩ” in trong “Ngự chế thi sơ tập” của vua Minh Mạng.

Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên

Từ khoa thi tiến sĩ đầu tiên dưới triều Nguyễn là Nhâm Ngọ (1822) cho đến khoa thi cuối cùng là Kỷ Mùi (1919) có 39 khoa thi và số người lấy đỗ tiến sĩ và phó bảng là 558 vị. Trong số đó, không thấy vị nào đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên).

Thời phong kiến, khoa cử được tổ chức lần lượt qua các cấp: Thi hương, thi hội, thi đình. Muốn lấy Trạng nguyên thì buộc phải tổ chức thi đình. Nhưng thực tế dưới triều Gia Long, việc mở mang quốc học mới bắt đầu, khoa cử chưa phát triển. Các kỳ khoa cử cao nhất được tổ chức vào giai đoạn này là thi hương (lấy đỗ phân hạng cử nhân và tú tài). Người đỗ cử nhân sẽ tiếp tục được dự khoa thi hội, nhưng thi hội lại là chuyện của triều sau.

Khoa thi hội đầu tiên của triều Nguyễn được tổ chức lần đầu dưới thời Minh Mạng. Năm 1822, triều đình cử Trịnh Hoài Đức (Hiệp biện đại học sĩ) làm Chủ khảo trường thi hội. Vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Khoa thi hội này là khoa đầu tiên, là điển lễ quan trọng, các ngươi nên rất mực công bằng, đừng phụ lời khuyên bảo của trẫm”.

Một chứng cứ để thấy sự khát khao của nhà Nguyễn muốn có được Trạng nguyên ở một đoạn sử liệu và bài thơ do vua Minh Mạng ngự chế. Sách Minh Mệnh chính yếu có chép nội dung là năm Minh Mệnh thứ 19, hoàng đế đến xem xét kỳ thi hội, gặp ngày mưa lạnh, quan trường thi ra nghênh đón, vua sai ban rượu cho viên này. Lại cấp ban chia cơm rượu, hỏa lò, chiếu cói cho sĩ tử dự thi và lại ban thêm một bài thơ do chính vua làm.

Bài thơ vua ban trong dịp này đã được in lại trong “Ngự chế thi sơ tập” của vua Minh Mạng. Vua đã đặt thêm nhan đề bài thơ là “Khẩu hiệu khuyến hội thí sĩ”: Tuyết trung tống thán kim triêu hữu/Thổ tận anh ba tác trạng nguyên/Tùng bách tuế hàn phương thức hảo/Các tu miễn lễ đáp quân ân.

Dịch thơ: Hôm nay rét lạnh đã ban than/Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên/Năm lạnh bách tùng lên tươi tốt/Cùng nhau gắng sức báo ơn trên - Bài thơ cho thấy vua Minh Mạng rất xem trọng việc tìm được nhân tài qua khoa cử. Nhà vua khuyến khích sĩ tử “Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên”.

Sau 39 khoa thi, số đỗ tiến sĩ và phó bảng là 558 vị nhưng nhà Nguyễn không tìm được Trạng nguyên vì yêu cầu khắt khe.

Sau 39 khoa thi, số đỗ tiến sĩ và phó bảng là 558 vị nhưng nhà Nguyễn không tìm được Trạng nguyên vì yêu cầu khắt khe.

Tân khoa được ban phẩm phục.

Tân khoa được ban phẩm phục.

Văn lý phải đạt 10 phân

Vua Minh Mạng mong muốn tìm kiếm Trạng nguyên nhưng không thành. (Chân dung vua Minh Mạng – tác giả John Crawfurd).

Vua Minh Mạng mong muốn tìm kiếm Trạng nguyên nhưng không thành. (Chân dung vua Minh Mạng – tác giả John Crawfurd).

Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kết quả khoa thi năm 1838 chỉ có 11 người đỗ hạng trúng cách (tiến sĩ) sau đó được tham dự thi đình.

Hai tháng sau, thi đình được tổ chức vào tháng Tư (nhuận). Kết quả thi đình lần này: Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân gồm 2 người Nguyễn Cửu Trường và Phạm Văn Nghị. Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân gồm 8 người, phó bảng chỉ lấy được 10 người.

Sau khi có kết quả thi, vua Minh Mạng hỏi Hà Quyền rằng: “Nguyễn Cửu Trường đỗ đầu thế nào? Thưa rằng văn của Cửu Trường rất có kiến thức. Vua bảo rằng: Trẫm xem văn, được thể thi đình, còn Phạm Văn Nghị thì thuộc điển cũ mà thôi”.

Cách thức thi hội dưới thời Nguyễn có sự thay đổi qua các triều, nhưng thường phổ biến trải qua bốn kỳ: Kỳ một thi Kinh nghĩa, kỳ hai làm bài về văn sách, kỳ ba thi về chiếu - biểu - luận, kỳ bốn thi về thơ phú. Khoa thi hội lấy đỗ phân thành hai hạng tiến sĩ và phó bảng. Người đỗ trúng cách (tiến sĩ) sẽ tiếp tục được dự khoa thi đình.

Khoa thi đình được tổ chức tại hoàng cung, muốn lấy đỗ Trạng nguyên thì phải căn cứ vào kết quả của khoa thi này. Đề thi đình là một bài văn sách do vua ra. Đây là một đề thi khó mà vào thời Nguyễn, có kỳ thi nhà vua trực tiếp chấm thi. Nhiều lúc không hài lòng về kết quả, vua đã chủ trương tổ chức thi lại.

“Những điều này cho thấy, vì trước năm 1822 triều Nguyễn chưa tổ chức thi đình nên làm gì có chuyện vua Gia Long cho đặt lệ không lấy Trạng nguyên. Chuyện không có Trạng nguyên qua các kỳ khoa cử vào thời Nguyễn lại liên quan đến quy định về kết quả thi”, TS Nguyễn Phước Hải Trung cho hay.

Trải qua các kỳ thi, triều Nguyễn đã quy định rất cụ thể cho việc lấy đỗ Trạng nguyên. Kỳ thi đình tháng Sáu năm Nhâm Dần (1842) vua Thiệu Trị hỏi Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên: “Xưa nay thi đình, lấy đỗ vào bậc Tam khôi thì văn lý như thế nào là được?”. Bọn Quế thưa rằng: “Văn cổ, văn kim đều phải 10 phần ý đủ, lời đẹp, mới xứng đáng vào bậc ấy”.

Vua nói: “Văn lý mà làm được vẹn cả 10 phần, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta mở giáp khoa để ý cầu người có học, nhưng về nhất giáp vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ, chứ không phải câu nệ về mực thước đâu”.

Tháng Ba năm Giáp Thân (1884) lại định lệ thi hội, thi đình về bên văn: “Năm Minh Mạng thứ 10 lệ định ai thi đình, văn lý được 10 phân thì cho Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh, ai được 9 phân thì cho Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh, ai được 8 phân thì cho Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh…”.

Năm Duy Tân thứ 4 (1910) lại quy định: “…tính thông cả các kỳ hội và kỳ điện thí, cộng lại rồi chia 6 thành. Người nào mỗi thành được 20 điểm, thì cho trúng Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên), người nào được 18, 19 điểm thì cho trúng Đệ nhất giáp tiến sĩ Đệ nhị danh (Bảng nhãn), được 16, 17 điểm thì cho trúng Đệ nhất giáp tiến sĩ Đệ tam danh (Thám hoa)…”.

Chuẩn bị đón Tam khôi

Minh Mạng còn viết thơ cổ vũ thí sinh. Ảnh: NP Hải Trung.

Minh Mạng còn viết thơ cổ vũ thí sinh. Ảnh: NP Hải Trung.

“Tra cứu tất cả các loại chính sử của triều Nguyễn, không có một điều khoản nào quy định về “tứ bất lập” và không lấy đỗ Trạng nguyên. Nhiều người vẫn tin là triều Nguyễn đã đặt ra lệ “tứ bất lập” là điều dễ hiểu. Đáng tiếc, sự tin tưởng đó đã hệ lụy đến sự thật lịch sử” - TS Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Khi mở khoa thi tiến sĩ, triều đình nhà Nguyễn cũng quy định quan phục cho các vị tiến sĩ. Riêng Trạng nguyên mũ làm bằng sa đen, đằng trước một cái hoa bằng vàng, đằng sau hoa bằng bạc, một cái bái sơn bằng bạc, hai cái cánh chuồn hai bên bọc bạc.

Áo bào màu lục bằng đoạn hoa to 8 tơ, bổ tử nền đỏ thêu con nhạn và mây. Quần màu đỏ sa hoa rắc, đai bằng tre hoa bọc đoạn vũ màu đỏ, chung quanh có 10 mảnh hình vuông, trên mặt khảm sừng có hoa, trong 10 cái miếng vuông thì 5 cái bịt bạc, 5 cái bịt đồng và võng, khăn, giày, tất, hốt gỗ.

Minh Mạng năm thứ 3 (1822) có nghị chuẩn ban mũ áo cho các tiến sĩ, và “cho riêng Đệ nhất giáp Đệ nhất danh một bộ mũ áo lục phẩm”. Tháng Chín năm Tân Hợi (1851) lại định rõ bổ quan cho các tôn sinh và ấm sinh: Tôn sinh đỗ Tam khôi thì đợi Chỉ vua cất lên dùng không phải theo thứ tự. Ấm sinh đỗ Đệ nhất giáp là người đỗ đầu khoa giáp, tới kỳ sẽ đợi Chỉ chọn dùng.

Tháng Hai năm Ất Sửu (1865) định rõ lại lệ bổ quan cho những viên tiến sĩ và phó bảng. Những cử nhân, giám sinh, ấm sinh, huấn đạo cùng chánh, tòng bát phẩm trở xuống mà trúng Trạng nguyên, bắt đầu thụ hàm Thị độc. Tôn sinh, giáo thụ cùng với chánh, tòng thất phẩm trúng Trạng nguyên, bắt đầu thụ hàm Thị giảng học sĩ.

Mặc dù, vua Minh Mạng thể hiện khao khát tìm kiếm Trạng nguyên, triều đình lại chuẩn bị trước các quy định bổ quan và phẩm phục Trạng nguyên. Tuy nhiên, sau 39 khoa thi triều Nguyễn vẫn không lấy được Trạng nguyên.

Nguyên nhân không có Trạng nguyên dưới triều nhà Nguyễn được cho là do văn lý chưa đạt 10 phân. Đến thời vua Kiến Phúc thang điểm chọn người đỗ Bảng nhãn, Thám hoa có hạ xuống nhưng đối với người đỗ Trạng nguyên vẫn giữ như cũ, văn lý bắt buộc phải đạt 10 phân.

Trải qua các kỳ thi hội, chưa lúc nào đạt kết quả toàn bích để có được Trạng nguyên, chính vua Minh Mạng cũng hết sức tâm tư. Vua Minh Mạng đến xem xét và duyệt kết quả và nói với Phan Huy Thực ở bộ Lễ rằng: “Thi đình rất khó lấy được người đỗ Đệ nhất giáp. Nếu không lấy thì là thiếu nhân tài, mà lấy phiếm, e không làm thỏa được nguyện vọng của sĩ phu”.

Băn khoăn là như thế, nhưng khoa cử vẫn phải giữ lẽ công bằng. Không có Trạng nguyên vẫn không miễn cưỡng để cân nhắc vớt vát, khiến các sĩ tử không phục. Điều này chứng minh khoa cử triều Nguyễn rất chú trọng khách quan, tư duy đào tạo hướng đến thực chất. Đó là minh triết trong giáo dục của người xưa.

Tuy nhiên, cũng chính vì không thấy người nào đỗ Trạng nguyên, nên hậu thế lầm tưởng và gán ghép cho triều Nguyễn là “bất lập Trạng nguyên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ