Những ai không nên tiêm vắc xin Sinopharm?

GD&TĐ - WHO đã đưa ra lời khuyên, vắc xin Sinopharm không dùng cho người dưới 18 tuổi và thận trọng tiêm cho người trên 60 tuổi; bất cứ ai có thân nhiệt trên 38,5ºC cần trì hoãn tiêm chủng cho tới khi hết sốt...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về Tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc sử dụng vắc xin bất hoạt Covid-19 BIBP do Sinopharm/Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc phát triển.

Thông tin khuyến nghị này được website chính thức của WHO đăng tải hôm 2/8.

Ai nên được tiêm chủng trước?

Trong bối cảnh nguồn cung vắc xin Covid-19 hạn chế, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm vắc xin.

Loại vắc xin này không được khuyến cáo dùng ở những người dưới 18 tuổi do chưa có kết quả từ các nghiên cứu trên nhóm tuổi đó. 

Có thể tiêm chủng vắc xin cho những người đã từng mắc Covid-19. Với nguồn cung vắc xin hạn chế, những người có kết quả khẳng định (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) nhiễm SARS-CoV-2 trong 6 tháng trước đó có thể trì hoãn tiêm vắc xin. Trong các khu vực có biến thể virus đáng lo ngại đang lưu hành, có thể tiêm chủng sớm hơn sau khi bị nhiễm. 

Những ai được khuyến cáo không tiêm chủng vắc xin?

Những người có tiền sử sốc phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc xin không nên được tiêm. Ngoài ra, bất cứ ai có thân nhiệt trên 38,5ºC cần trì hoãn tiêm chủng cho tới khi hết sốt.

Khuyến cáo liều tiêm chủng như thế nào?

SAGE khuyến cáo sử dụng vắc xin BIBP theo lịch 2 liều (0,5 ml) tiêm bắp. WHO khuyến cáo khoảng cách giữa hai liều tiêm là 3–4 tuần. 

Nếu liều thứ hai được tiêm dưới 3 tuần sau liều đầu thì không cần phải lặp lại liều này nữa. Nếu việc tiêm liều thứ hai bị hoãn sau 4 tuần, cần tiêm sớm nhất khi có thể. WHO khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều.

So sánh vắc xin này với các vắc xin khác đã được sử dụng như thế nào?

WHO khẳng định không thể so sánh đối đầu vắc xin (head-to-head) do cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế các nghiên cứu. Tuy nhiên, về tổng thể, mọi vắc xin đã có mặt trong trong Danh sách Sử dụng khẩn cấp của WHO đều hiệu quả cao trong việc phòng bệnh nặng và nhập viện do Covid-19 (ngày 7/5, vắc xin Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp - PV).

Tại Việt Nam, đến nay đã tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc xin của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc tài trợ và nguồn từ công ty Sapharco mua, nhập khẩu dưới sự uỷ quyền của UBND TP HCM.

Vắc xin này có hiệu lực như thế nào?

Một thử nghiệm Giai đoạn 3 đa quốc gia cho thấy, sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ hai liều (khoảng cách giữa hai liều là 21 ngày) có hiệu quả 79% phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng. Hiệu quả trong việc phòng ngừa nhập viện là 79%.

Thử nghiệm này không được thiết kế và có hiệu lực để chứng minh hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng ở những người có bệnh nền, những người trong thời kỳ mang thai, hay những người từ 60 tuổi trở lên. Có ít đối tượng là phụ nữ tham gia vào nghiên cứu.  

Có hai thử nghiệm đánh giá hiệu lực của vắc xin đang được triển khai nhưng chưa có số liệu.

Vắc xin này có hiệu lực với các biến thể mới không?

SAGE hiện khuyến cáo sử dụng vắc xin này theo lộ trình ưu tiên của WHO. Khi có thêm số liệu mới WHO sẽ cập nhật các khuyến cáo. Vắc xin này vẫn chưa được đánh giá trong bối cảnh các biến thể mới đang lưu hành rộng rãi.

Vắc xin này phòng ngừa được việc nhiễm và lây truyền virus không?

Hiện không có nhiều số liệu về tác động của vắc xin Covid-19 BIBP đối với việc lây truyền SARS-CoV-2. Đồng thời, WHO lưu ý vẫn phải duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng hiệu quả: Đeo khẩu trang, giãn cách, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, và đảm bảo thông khí tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.