Nhóm bạn trẻ làm phần mềm thi trực tuyến kết hợp chống gian lận

GD&TĐ - Nhóm cựu sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã nghiên cứu và thiết kế phần mềm hệ thống thi trực tuyến EduExam kết hợp giám sát và chống gian lận bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trang chủ của hệ thống EduExam của nhóm bạn trẻ. Ảnh: NVCC
Trang chủ của hệ thống EduExam của nhóm bạn trẻ. Ảnh: NVCC

Hướng tới thi online khách quan, công bằng

Đó là nhóm bạn trẻ Hoàng Mậu Trung, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Văn Nam. Cả ba đều mới tốt nghiệp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Ngày nay sự nở rộ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang có đóng góp tích cực vào cuộc sống. AI giúp chẩn đoán bệnh, AI giúp làm trợ lý hay AI giúp chúng ta có thể xử lý công việc là người bạn, người trợ lý. Vì vậy, dự án của nhóm bạn trẻ mong muốn xây dựng một “cán bộ thi” nhân tạo có thể nắm bắt được nhanh chóng những vấn đề trong thi cử giúp tối ưu hóa quy trình tổ chức thi trực tuyến.

Theo nhóm nghiên cứu, đại dịch khiến cuộc sống chúng ta đảo lộn và nhiều vấn đề chưa thể giải quyết. Trong đó có việc tổ chức các kỳ thi cuối kì tại các cấp học, hay Kỳ thi THPT quốc gia cũng gặp nhiều trở ngại.

Nắm bắt những khó khăn đó, nhóm bạn trẻ đã đưa ra giải pháp hệ thống phần mềm cho phép tổ chức thi online kết hợp giám sát và chống gian lận sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tên EduExam. Đây là một hệ thống phần mềm gồm ứng dụng hoặc phiên bản website cho phép tổ chức các phòng thi với khả năng không giới hạn thí sinh.

“EduExam là sản phẩm trí tuệ của người Việt và phục vụ cho nền giáo dục Việt. Chúng em muốn khẳng định, tuổi trẻ Việt Nam đang có bước chuyển mình với một nền giáo dục hiện đại, hiệu quả và nhanh chóng bắt kịp với xu thế” – Hoàng Mậu Trung nói.

Theo tác giả, trên thực tế, chưa có phần mềm hay hệ thống hỗ trợ giúp đánh giá và tổ chức các cuộc thi sau mỗi học kì hoặc trong nội dung học. Chính lẽ đó, nhóm tác giả EduExam mong muốn cung cấp một giải pháp mới cho việc thi online với hình thức tự luận và trắc nghiệm.

Cùng với chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0, nhóm tác giả quyết định sử dụng những lĩnh vực trong trí tuệ nhân tạo vào việc giám sát và theo dõi quá trình thi. Điều này nhằm hỗ trợ những cán bộ trông thi và chấm thi online được khách quan và công bằng hơn.

Theo trưởng nhóm Hoàng Mậu Trung, hệ thống đã cố gắng mô phỏng quá trình tổ chức một kỳ thi thực tế bao gồm một quy trình khép kín được thực hiện. Đó là các bước tạo mã sinh viên (tài khoản cho thí sinh), tổ chức phòng thi với danh sách thí sinh và cán bộ trông thi. Cùng với đó là thi trực tiếp trên hệ thống bằng hai hình thức tự luận và trắc nghiệm.

Điểm nhấn của hệ thống phần mềm là trông thi thông qua hình ảnh webcam của thí sinh. Chống gian lận sử dụng hệ thống AI kiểm soát hành vi và kiếm soát âm thanh trong thời gian thi. Chấm thi và xuất báo cáo kết quả nhanh chóng.

“Nếu chỉ xét về các phần mềm tổ chức thi và chấm điểm trắc nghiệm, chủ yếu các phần mềm dừng lại ở mức hỗ trợ làm khảo sát và lấy ý kiến hoặc là các bài quiz. Còn một hệ thống riêng có hỗ trợ đầy đủ một kỳ thi từ số báo danh, trông thi, đến giám sát thi gần như chưa có trên thị trường” – trưởng nhóm Hoàng Mậu Trung chia sẻ.

Hệ thống cảnh báo nếu có phát hiện bất thường.
Hệ thống cảnh báo nếu có phát hiện bất thường.

Phát hiện gian lận và hành vi bất thường

Nhóm tác giả cho biết, dự án có thể tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo như thị giác máy tính, xử lý âm thanh, xử lý văn bản, phát hiện bất thường vào việc giám sát thí sinh làm bài thi.

Đề tài được thực hiện nhằm tạo một môi trường thi trực tuyến chuyên nghiệp mô phỏng toàn bộ hoạt động từ thực tế với các chức năng tiêu biểu. Đó là tạo phòng thi, cấp số báo danh, trông thi, giám sát thi và chống gian lận bằng hệ thống AI với độ chính xác cao trên 80%.

Nhóm tác giả tận dụng những khả năng của trí tuệ nhân tạo để cố gắng mong muốn tạo ra một hệ thống giám sát với độ chính xác cao trong quá trình thi online diễn ra với hàng loạt tính năng. Đó là phát hiện thí sinh rời khỏi vùng quan sát, hoặc có người lạ trong vùng quan sát được của webcam.

Phát hiện hành vi bất thường trong quá trình thi độc quyền với bộ dữ liệu thực tế trong nhiệm vụ xác định hướng mắt và hướng khuôn mặt để phát hiện gian lận. Độ chính xác cho phát hiện này là trên 80%.

Hệ thống còn phát hiện giọng người nói, và phản hồi về điều kiện môi trường yên lặng, tạp âm hay có tiếng động giao tiếp của con người.

Ngoài ra, nó còn phát hiện sử dụng các ứng dụng bên thứ ba trong quá trình thi. Điều này phục vụ cho mục đích chống gian lận. Đó là các phần mềm chat, các phần mềm truy cập Internet, các phần mềm mở tài liệu… Đồng thời phát hiện hành vi chụp ảnh màn hình, copy, paste các hành vi soạn thảo đáng ngờ.

Bên cạnh đó, hệ thống AI còn hỗ trợ giám sát theo dõi hành vi chuột bàn phím giúp phát hiện nếu tiết lộ nội dung đề thi ra bên ngoài.

Thông qua đề tài, nhóm tác giả muốn lan tỏa những thông điệp tích cực với cộng đồng: “Chúng ta là ai, chúng ta làm ở bất kể ngành nghề lĩnh vực nào, chúng ta cũng có thể góp một phần nhỏ vào trong công cuộc chống dịch, và cùng nhau cố gắng vượt qua đại dịch”.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng hi vọng đây là một trong những sản phẩm có thể giúp giải quyết được các vấn đề còn bất cập khi học và thi trực tuyến.

“Đây cũng là một dự án mà nhóm rất tâm huyết. Mặc dù còn những khuyết điểm, song trong thời gian tới nhóm có thể hoàn thiện version 2 với nhiều phòng thi và thể thức thi hơn nữa” – Hoàng Mậu Trung chia sẻ.

Đây cũng là công trình nghiên cứu mà nhóm tham gia dự thi chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021. Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống này đã được ứng dụng tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ngoài ra, nhiều trường tiểu học cũng đã đặt vấn đề sử dụng EduExam thí điểm cho một số lớp trước khi dùng đại trà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ