Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp từ ý tưởng cung cấp hải sản sạch

GD&TĐ -Xuất phát từ ý tưởng cung cấp cho người dân hải sản tươi sạch, không lo chất bảo quản và hóa chất độc hại, nhóm bạn trẻ đến từ Quảng Bình đã nảy sinh ý tưởng xây dựng dự án “Cửa hàng hải sản sạch OBIS”. Ý tưởng này đã lọt vào vòng chung kết “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” tại Đà Nẵng.

Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp từ ý tưởng cung cấp hải sản sạch

Tươi nhất và sạch nhất

Nhóm bạn trẻ gồm Nguyễn Nam Thái – sinh viên năm cuối ĐH Quảng Bình; Nguyễn Thị Ngọc Huyền – sinh viên năm thứ nhất ĐH Quảng Bình và Hồ Thị Hà Giang - sinh viên năm nhất - ĐH Ngân Hàng TP HCM.

Cả ba thành viên đều có chung ấp ủ được xây dựng một cửa hàng hải sản sạch phục vụ cho nhân dân. Thái cho biết: Ý tưởng càng được nung nấu hơn trong bối cảnh vấn đề của ngành khai thác thuỷ hải sản ở Việt Nam yếu nhất là khâu bảo quản, dẫn tới chất lượng hải sản thấp; bên cạnh đó, cá bẩn tràn lan do bảo quản sai cách, đặc biệt là sự cố môi trường biển gây ảnh hưởng vô cùng lớn đã khiến người dân vùng biển rất khó khăn trong quá trình đánh bắt cá mà thu mua với giá rẻ hoặc không tiêu thụ được mặt hàng này.

Vô tình xem một chương trình giới thiệu công nghệ mới của Nhật Bản, Thái biết được công nghệ bảo quản cá mới rất đặc biệt giúp giữ độ tươi của cá rất lâu và từ đó chàng trai trẻ bắt tay hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Ý tưởng khởi nghiệp này là sử dụng công nghệ mới để bảo quản cá, qua đó giúp cá được tươi ngon như vừa mới bắt mà không cần sử dụng bất cứ chất hoá học độc hại nào. Sản phẩm tới tay người tiêu dùng đảm bảo 2 tiêu chí: Tươi nhất và sạch nhất.

Bước 1 là khâu thu mua: Nhóm sẽ tự thu mua trực tiếp với ngư dân (tàu câu cá, đánh bắt gần bờ, đây là những tàu đánh bắt trong ngày, chỉ đi trong vài tiếng và chỉ dùng đá lạnh để bảo quản khi đánh bắt, nên đảm bảo độ an toàn không chất bảo quản.

Bước 2 là khâu bảo quản: Sản phẩm sẽ nhanh chóng được chuyển về kho. Đảm bảo được rằng kho bảo quản được xây dựng ngay gần vùng nguyên liệu để xử lý với công nghệ bảo quản tốt nhất mà không dùng hóa chất độc hại.

Bước 3 là tiêu thụ cá tới người tiêu dùng: Nhân viên sẽ chuyển cá lên cửa hàng bán lẻ bán trực tiếp và bán online.

Dự án nếu đi vào hoạt động sẽ giải quyết được bài toán cá bẩn trên thị trường, không những thế còn đem tới những sản phẩm tươi ngon nhất đến với người tiêu dùng. Điều mà trước đây khách hàng chỉ cảm nhận rõ nhất khi đi du lịch và thưởng thức hải sản tại các vùng ven biển. Ngoài ra, dự án còn tăng giá trị hải sản bởi được thu mua với giá cao, không bị ép giá, giúp bà con ngư dân tăng thu nhập.

Dây chuyền khép kín không qua trung gian

Khi được hỏi nhóm bạn trẻ rằng dựa vào đâu để khách hàng có thể tin tưởng được sản phẩm của các bạn trong khi ngoài kia có hàng nghìn cửa hàng hải sản?

Thái cười: Đây là một dây chuyền khép kín, không qua trung gian. Thậm chí chúng em còn quay lại quá trình thu mua, bảo quản đến bán để cho mọi người yên tâm. Bán thực phẩm sạch là bán niềm tin, và niềm tin cần được xây dựng một cách chân thực nhất. Em tin với chất lượng cá rất tươi ngon và cái tâm của người bán, Khách hàng sẽ có niềm tin vào chúng em.

Tâm huyết với ý tưởng này ngay từ khi mới nhen nhóm, Thái cũng hai bạn sinh viên năm đầu bàn bạc, nghiên cứu, tìm hiểu từng chi tiết nhỏ nhất từ việc hợp đồng mua hải sản chặt chẽ đến tìm địa điểm làm kho bảo quản,..

Nói về khó khăn khi thực hiện dự án, nhóm bạn trẻ chia sẻ: Chúng em chưa có điều kiện để chia sẻ và kết nối dự án với các nhà đầu tư tiềm năng.

Nếu muốn dự án đạt hiệu quả cao thì cần đầu tư lớn mà nhà đầu tư cần hiểu được giá trị mà dự án mang lại bởi dự án không chỉ mang lại tiền cho nhà đầu tư và còn mang lại sức khoẻ cho cả cộng đồng.

Nhân lực cũng là vấn đề lớn. Nhóm đang cần những người có kinh nghiệm, có tâm để cùng chung chí hướng mang lại lợi ích cho xã hội, và cộng đồng.

Sau khi trình bày ý tưởng tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên” tại Đà Nẵng, nhóm bạn trẻ đã được chọn vào vòng chung kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.