Một trong vô vàn những kỷ niệm của tôi, cũng như lũ trẻ làng quê ngày ấy, đó là những buổi rong trâu bò ra đồng cho chúng tung tăng gặm cỏ trên bờ đê, bờ ruộng, để rồi cả hội lăng xăng xắn quần lội xuống be bờ tát mương bắt cá. Giai đoạn đó kinh tế khó khăn, đến gạo ăn nhiều hộ còn không đủ, huống hồ lấy đâu tiền để mua thịt, thức ăn, vì vậy những mớ tôm, con tép, cá nhỏ, cua, ốc... mà bọn trẻ chúng tôi bắt được ngoài đồng mang về luôn rất có ích trong việc phụ giúp đời sống sinh hoạt của gia đình.
Trong những buổi lội mương tát vét đó, được tận mắt chứng kiến, tận tay bắt những con cá, con tôm hở mình vì cạn nước giãy đành đạch bỏ vào chậu, vào giỏ đã sướng, vậy nhưng với tôi, tôi lại thích cảm giác lúc bới lớp bùn nhão sâu bên dưới để bắt những con cá chạch hơn, vì dẫu da chúng trơn, hơi khó bắt, nhưng khi đã bắt được thì thích thú vô cùng, bởi cá chạch ăn ngon, chế biến được nhiều món, trong khi bán lại được giá đắt tiền hơn lũ tôm, cua, cá tạp. Vì thế mục đích chính nhắm tới của bọn chúng tôi khi tát mương là chú trọng tới phần bới đất bắt chạch, còn bắt cua, cá, tôm... chỉ là phần phụ.
Thời gian trôi đi, kinh tế gia đình tôi dần cải thiện, tôi cũng lớn lên và rời quê học nội trú tại trung tâm huyện, sau đó ra thành phố học đại học. Không còn những buổi dầm mình dưới mưa nắng, bùn đất nơi ruộng đồng để tát mương bắt cua cá, bới chạch nữa, nhưng ký ức, kỷ niệm thì vẫn còn theo tôi mãi, bởi làm sao mà tôi có thể quên được một giai đoạn gia đình mình khó khăn, tuổi thơ mình lam lũ vất vả.