Thế chủ động của người cầm trịch

GD&TĐ - Một trong những lợi thế mang tính quyết định trên các bàn đàm phán là bên nắm được thế chủ động...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Một trong những lợi thế mang tính quyết định trên các bàn đàm phán là bên nắm được thế chủ động, với cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay dường như Moscow đang là bên nắm được lợi thế này.

Với những động thái liên quan đến đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hiện nay, dù cả hai đều chịu sức ép quốc tế để buộc phải ngồi xuống “nói chuyện” trực tiếp với nhau nhưng Nga luôn đóng vai là bên quyết định từ thành phần phái đoàn tham gia cho đến nội dung trao đổi.

Trong diễn biến mới nhất vào ngày 22/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu quan điểm chính thức của Moscow đối với vấn đề xung đột Ukraine là không chấp nhận kiểu đàm phán “ngừng bắn rồi tính tiếp” mà Kiev và các đồng minh châu Âu đang mong muốn, bất chấp mọi sức ép đang nhằm vào Nga.

Lý do cho quan điểm trên là việc phía Nga viện dẫn tình huống năm 2022 khi nước này từng cùng với Ukraine đạt được những đồng thuận ban đầu cũng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về các nguyên tắc giải quyết xung đột do phía Kiev đề xuất, hứa hẹn kết thúc sớm cuộc xung đột vào thời điểm đó.

Khi đó Nga đã thống nhất với đoàn đàm phán Ukraine và thậm chí hai bên còn ký nháy trước với nhau một bản thỏa thuận. Nhưng ngay sau đó Nga cáo buộc phương Tây đã gây sức ép với Ukraine để Kiev không tiến tới ký kết ngừng bắn.

Tiếp theo, Mỹ và châu Âu liên tục viện trợ vũ khí ồ ạt để Ukraine có thể duy trì cuộc xung đột với Nga suốt hơn 3 năm qua.

Ngoại trưởng Nga coi đây là “một bài học” để khẳng định quan điểm không lặp lại tình huống “ngừng bắn rồi tính tiếp” một cách bị động như năm 2022. Trong khi đó, Ukraine và đồng minh châu Âu dường như đang không có được sự “thong thả” như phía Nga mà liên tục tỏ ra sốt ruột và hối thúc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Ukraine cùng các nhà lãnh đạo châu Âu đang hối thúc Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt Nga để ép Moscow phải đàm phán với các điều kiện mà Kiev và châu Âu mong muốn. Nhưng một trong những lý do cơ bản giúp Nga đứng vững trước sức ép và chủ động hơn đối với vấn đề đàm phán là việc họ đang có lợi thế vượt trội trên chiến trường.

Trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau 3 năm tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5 vừa qua, Nga tiếp tục đưa ra các điều kiện ngừng bắn mà phía Ukraine cho rằng “không thể chấp nhận được”. Sau cuộc tiếp xúc ở cấp trợ lý tổng thống và bộ trưởng này, Nga và Ukraine chỉ thống nhất được một nội dung hiếm hoi là trao đổi tù binh.

Cho đến nay, các lệnh ngừng bắn tại Ukraine vẫn chỉ do phía Nga chủ động thực hiện như nhân dịp Lễ Phục sinh hoặc mừng Ngày Chiến thắng Phát xít 9/5 vừa qua. Tính chủ động của Nga còn được thể hiện ở sự kiện Tổng thống Putin vừa có chuyến thăm tới tỉnh Kursk hôm 21/5, nơi mà Ukraine đang duy trì các cuộc tấn công trong lãnh thổ Nga.

Hiện, Nga vẫn duy trì cuộc tấn công lớn nhằm vào lực lượng Ukraine tại Kursk, trong đó không những chặn đứng đối phương, mà còn dần giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và tiến quân qua biên giới Ukraine để kiểm soát một số khu vực thuộc tỉnh Sumy của nước này.

Thế chủ động cả trên bàn đàm phán lẫn trên chiến trường của Nga còn đang được tạo điều kiện từ lập trường đối với cuộc xung đột của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Washington hiện nay thể hiện rõ quan điểm rằng trách nhiệm kết thúc cuộc xung đột là do chính Nga và Ukraine cùng các đồng minh châu Âu phải thực hiện chứ không phải do Mỹ đi đầu trong quyết định như trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hướng dẫn các em nhỏ làm hình nộm từ rơm.

Rơm rạ thành sản phẩm du lịch ở làng cổ Đường Lâm

GD&TĐ - Từ đầu năm đến nay, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) thu hút hàng vạn khách du lịch. Không chỉ khám phá vẻ đẹp làng cổ, khách tham quan còn được trải nghiệm các sản phẩm thủ công thú vị từ rơm rạ.