Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên thành phố quy định các địa bàn giáp ranh giữa các phường, quận phải linh hoạt phân bổ trường học cho học sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và người học.
Học trường gần nhà
Năm học 2025 - 2026, công tác tuyển sinh đầu cấp tiếp tục sử dụng hệ thống bản đồ số GIS kết hợp với dữ liệu cá nhân của học sinh được cập nhật trên VNeID để phân bổ chỗ học. Theo đó, việc phân tuyến không còn dựa vào ranh giới hành chính của phường mà ưu tiên căn cứ vào nơi ở thực tế, giúp học sinh được học trường gần nhà và đảm bảo tính chính xác, đồng bộ trên hệ thống quản lý ngành Giáo dục.
Bà Nguyễn Minh Bạch Lan - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Thành phố triển khai hệ thống tuyển sinh trực tuyến đồng bộ trên toàn địa bàn, sử dụng mã định danh cá nhân và dữ liệu ngành để bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch, hạn chế sai sót. Tuyển sinh đầu cấp được chia thành hai nhóm: Học sinh có nơi ở thực tế trên địa bàn và học sinh có nguyện vọng học ngoài khu vực cư trú.
“Sở GD&ĐT TPHCM đã xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt, dựa trên ba yếu tố: Phân bố trường lớp, số lượng học sinh và nơi ở thực tế, thay vì chỉ dựa vào ranh giới hành chính phường, xã như trước đây.
Đồng thời, bản đồ số GIS được đưa vào sử dụng như công cụ hỗ trợ phân tuyến hợp lý, tạo điều kiện để học sinh học gần nhà và xử lý linh hoạt các trường hợp đặc thù như học sinh ở khu vực giáp ranh hay nơi cư trú không cố định. Việc học gần nhà không chỉ thuận tiện cho học sinh, mà còn giúp phụ huynh dễ dàng đưa đón, chăm sóc con em”, bà Lan cho hay.
Ở góc độ địa phương, ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết: “Việc phân bổ chỗ học sẽ được tính toán phù hợp với tình hình thực tế của quận. Học sinh cư trú trên địa bàn phường có thể học tại trường của phường hoặc ở phường khác, miễn sao khoảng cách từ nhà đến trường không vượt quá quy định, đảm bảo mọi công dân trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường”.
Tại Quận 8, ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT quận cho biết: Địa phương không quy định cụ thể khoảng cách tối thiểu hay tối đa giữa nơi ở và trường học mà dựa trên bản đồ số để xác định đâu là trường gần nhất, bất kể học sinh cư trú thuộc phường nào. Trừ khi phụ huynh có nhu cầu cho con học trường khác để thuận tiện đưa đón, các trường hợp này sẽ được xét trong đợt 2 và chỉ bố trí nếu trường còn chỗ.
“Ví dụ, học sinh có hộ khẩu ở Quận 8 nhưng gần trường ở Quận 1 thì có thể đăng ký học ở Quận 1 và ngược lại. Nếu trường mong muốn không còn chỗ, phòng sẽ sắp xếp vào trường gần nhất với nguyện vọng đó”, ông Dân chia sẻ.

Hoàn tất tuyển sinh đầu cấp trong tháng 6
Năm học 2025 - 2026, TPHCM có 109.371 học sinh lớp Lá vào lớp 1 và 124.589 học sinh lớp 5 vào lớp 6. Trong công tác tuyển sinh đầu cấp, ngành GD-ĐT tiếp tục ưu tiên phân bổ học sinh theo nơi ở thực tế như các năm trước, đồng thời rút ngắn thời gian xét tuyển từng đợt và cải tiến quy trình tuyển sinh, thống nhất trên Cổng tuyển sinh đầu cấp tại địa chỉ: https:// tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn.
Đặc biệt, thông tin nơi ở thực tế của học sinh (bao gồm mối quan hệ với chủ hộ và các thông tin liên quan) được xác định thông qua ứng dụng VNeID của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp, giúp hạn chế tối đa việc sử dụng hồ sơ giấy.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, so với các năm trước, thời gian hoàn tất tuyển sinh năm 2025 sớm hơn 2 tháng. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp đúng tiến độ, phù hợp với bối cảnh cả nước đang triển khai sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính theo Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
“Sau khi chính quyền TPHCM hoàn tất nhiệm vụ cấp quận, huyện, tức là Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp cấp quận, huyện kết thúc vai trò, sẽ có văn bản chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo tuyển sinh cấp cơ sở để tiếp tục công tác tuyển sinh”, ông Quốc cho biết.
Theo bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12, việc ưu tiên nơi ở hiện tại nhằm giúp học sinh học gần nhà đã được ngành Giáo dục thành phố triển khai đồng bộ 2 năm qua. Bước đầu, yếu tố này mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo điều kiện thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con em, giúp học sinh học tập trong môi trường gần nơi cư trú.
“Việc tuyển sinh theo nơi ở hiện tại góp phần cân đối sĩ số giữa các trường, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh và hỗ trợ phụ huynh trong việc đưa đón”, bà Châu cho biết.
Kế hoạch tuyển sinh:
Từ ngày 20 - 23/5: Các đơn vị xây dựng hệ thống tuyển sinh đầu cấp ở cấp quận điều chỉnh chức năng, đảm bảo kết nối vào hệ thống tuyển sinh chung của thành phố. Từ ngày 24 - 29/5: Các phòng GD&ĐT tổ chức hướng dẫn phụ huynh đăng ký tuyển sinh vào các trường có chương trình đặc thù. Từ ngày 30/5 - 4/6: Phòng GD&ĐT xét và công bố kết quả tuyển sinh đối với các trường này. Sau đó, các trường tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn phụ huynh xác nhận nhập học trực tuyến.
Từ ngày 9 - 13/6: Các địa phương rà soát, phân tích dữ liệu và phân bổ học sinh tùy theo thực tế. Từ ngày 14 - 20/6: Phụ huynh xác nhận nộp hồ sơ vào các trường phổ thông còn lại, có thể đăng ký theo diện đối tượng 2 (học sinh không thuộc địa bàn cư trú) hoặc tư thục. Phòng GD&ĐT sau đó xét tuyển học sinh theo diện đối tượng 2 và cập nhật dữ liệu lên hệ thống, đồng thời chuyển danh sách đã xác nhận nhập học đến các trường để tổ chức tiếp nhận hồ sơ.
Từ ngày 25 - 29/6: Phụ huynh tra cứu kết quả xét tuyển đối tượng 2 và xác nhận nhập học. Các trường tổ chức tiếp nhận học sinh.