R-37M diệt cả đội hình máy bay với một phát bắn

GD&TĐ - Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), ngày 20 tháng 5 cho biết Nga đang triển khai tên lửa đối không mang đầu đạn hạt nhân.

Tiêm kích MiG-31BM mang theo tên lửa R-37M.
Tiêm kích MiG-31BM mang theo tên lửa R-37M.

Chuyên trang quân sự War Zone cho biết, DIA đã trình lên Tiểu ban Tình báo và Hoạt động Đặc biệt của Hạ viện tài liệu mang tên "Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2025", trong đó nhận định Nga đang duy trì kho vũ khí hạt nhân sẵn sàng chiến đấu gồm 1.550 đầu đạn chiến lược và 2.000 đầu đạn phi chiến lược.

Tài liệu của DIA có đoạn: "Quân đội Nga cũng liên tục mở rộng lực lượng hạt nhân bằng cách bổ sung nhiều khí tài mới, trong đó có tên lửa không đối không mang đầu đạn nguyên tử và các hệ thống tiên tiến khác".

Chuyên gia quân sự Thomas Newdick của War Zone cho rằng, tên lửa đối không hạt nhân được đề cập trong báo cáo dường như là vũ khí mới, được phát triển từ nền tảng tên lửa tầm xa R-37M.

R-37M, còn có tên gọi khác là RVV-BD, được Viện thiết kế Vympel phát triển và được đưa vào biên chế không quân Nga từ năm 2014. Mỗi quả đạn dài hơn 4 m, đường kính thân gần 0,4 m, nặng 510 kg. Tên lửa RVV-BD được cho là đạt tầm bắn tới 300 km và từng hạ mục tiêu ở khoảng cách 304 km trong thử nghiệm.

Trước đây Không quân Nga chỉ lắp tên lửa R-37M cho tiêm kích hạng nặng MiG-31BM và Su-35S làm nhiệm vụ tuần phòng trong chiến dịch tại Ukraine. Loại vũ khí này bắt đầu xuất hiện trên dòng Su-30SM từ hồi giữa năm 2024.

Quân đội Nga cũng từng nhiều lần công bố video tiêm kích đánh chặn máy bay Ukraine bằng tên lửa R-37M, tuyên bố những chiếc Su-30SM và Su-35S từng bắn hạ chiến đấu cơ đối phương từ khoảng cách 130-200 km nhờ loại tên lửa tối tân này.

Bộ Quốc phòng Nga chưa từng đề cập phiên bản hạt nhân của tên lửa R-37M. Tuy nhiên, nó được phát triển từ dòng R-33 biên chế năm 1991, trong đó có biến thể R-33S sử dụng đầu đạn nguyên tử.

"Không loại trừ khả năng R-37M cũng được trang bị loại đầu đạn tương tự để tiêu diệt đội hình phi cơ hoặc tên lửa có quy mô lớn", chuyên gia Newdick nhận định.

Tên lửa R-33 có tầm bắn 120-300 km, từng xuất hiện trong đợt diễn tập lực lượng hạt nhân chiến thuật của Nga năm 2024. Một số chuyên gia phương Tây khi đó nhận định Nga đã triển khai các quả đạn R-33S cho cuộc diễn tập.

"Dựa trên báo cáo của DIA, có thể kết luận rằng Nga hiện là quốc gia duy nhất biên chế tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân", chuyên gia Mỹ cho biết thêm.

Tên lửa đối không mang đầu đạn hạt nhân được phát triển trong giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, với nhiệm vụ tiêu diệt biên đội oanh tạc cơ chiến lược của đối phương.

Mô hình biên đội oanh tạc cơ này hiện không còn được sử dụng, song tên lửa đối không mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá lớn vẫn có khả năng được dùng để đối phó chiến đấu cơ tàng hình, vốn khó bị khóa mục tiêu, cũng như bầy máy bay không người lái (UAV) hoặc lượng lớn tên lửa hành trình.

"Tên lửa R-37M vốn là vũ khí tầm xa đáng gờm. Sự xuất hiện của biến thể mang đầu đạn hạt nhân sẽ làm tăng thêm thách thức cho các đối thủ của Nga, cũng như giúp Moskva sở hữu năng lực mà không loại tên lửa hiện có nào sánh kịp", Newdick nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ phú Jim Ratcliffe chưa có ý định sa thải HLV Ruben Amorim.

Man Utd mất những gì khi thua Tottenham?

GD&TĐ - Man Utd hứng chịu hậu quả nặng nề về nhiều mặt và phải mất nhiều năm để khắc phục sau khi thua Tottenham ở chung kết Europa League.

 Ảnh minh họa INT.

Lối mở trong tổ chức dạy môn nghệ thuật

GD&TĐ - Trong Chương trình GDPT 2018, các môn nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mĩ thuật được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ cho học sinh.