Đánh giá xác đáng, công bằng đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm
Đánh giá về trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại của các bộ, ngành được đại biểu Quốc hội và cử tri đặt ra trong các kỳ họp Quốc hội trước, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định:
Trong những phiên chất vấn tại các kỳ họp vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã rất thẳng thắn đưa ra rất nhiều vấn đề nổi cộm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để chất vấn các thành viên Chính phủ. Thậm chí, có những vấn đề được nhắc lại nhiều lần và người đứng đầu các bộ ngành cũng phải giải trình nhiều lần. Điều ấy chứng tỏ sự quan tâm của đại biểu Quốc hội có tính trọng tâm theo vấn đề và theo đuổi đến cùng các vấn đề mà cử tri quan tâm. Đó chính là áp lực yêu cầu các Bộ trưởng không chỉ giải trình tại các phiên chất vấn mà đòi hỏi các Bộ trưởng phải có trách nhiệm cao hơn trong việc tìm giải pháp giải quyết triệt để các vấn đề được cử tri quan tâm mà các đại biểu đã chất vấn.
Trên thực tế, hầu hết các vấn đề đại biểu đặt ra cho các bộ, ngành đều được các tư lệnh ngành quan tâm, chỉ đạo xử lý kịp thời. Có những vấn đề cá nhân tôi gửi thư chất vấn không phải trong kỳ họp cũng đã nhận được các ý kiến phản hồi ngay của các Bộ trưởng, sau khi giải quyết xong đều có thông tin phản hồi về kết quả xử lý.
Trong báo cáo tự đánh giá của những người sẽ lấy phiếu tín nhiệm kỳ này gửi tới các đại biểu Quốc hội cho thấy, các tư lệnh ngành đã tự đánh giá, kiểm điểm rất nghiêm túc, thẳng thắn, không bỏ qua những vấn đề cử tri đặt ra có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý; chỉ rõ những vấn đề đã làm, đang làm, sẽ làm.
Trả lời câu hỏi, tại sao mặc dù đã có sự quan tâm như vậy nhưng những vấn đề tồn tại, hạn chế của các ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí có những vấn đề vẫn phải để đại biểu Quốc hội và cử tri nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Đúng là thực tế đang tồn tại những vấn đề nổi cộm của các ngành đã được cử tri và đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhưng chưa được xử lý một cách triệt để. Đối với những vấn đề này, chúng ta cần phải xem xét đánh giá một cách nghiêm túc và công minh trách nhiệm và hành động của người có trách nhiệm về vấn đề đó.
|
Nếu vấn đề nêu ra thuộc trách nhiệm trực tiếp của bộ, ngành mình phụ trách mà người đứng đầu không có hành động giải quyết triệt để hoặc không đưa ra những giải pháp tích cực xử lý thì đương nhiên họ đã tự đánh mất tín nhiệm của mình trước các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, có những vấn đề nảy sinh trên thực tế gây bức xúc cho xã hội về ngành, lĩnh vực nào đó, nhưng trách nhiệm chưa hẳn đã thuộc người đứng đầu bộ, ngành đó mà phải xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các qui định của pháp luật về lĩnh vực của bộ ngành đó phụ trách.
Ví dụ, người dân khiếu kiện kéo dài về đất đai như vụ việc ở Thủ Thiêm thì đâu phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà phần lớn bức xúc của người dân xuất phát từ cách xử lý ở địa phương; việc tiêu cực xảy ra trong chấm thi ở một số tỉnh miền núi vừa qua thì đâu phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ GD&ĐT vì nếu những bộ phận thực thi thuộc chỉ đạo trực tiếp của cấp tỉnh cũng thực hiện đúng quy chế thi như phần lớn các tỉnh khác thì làm sao có thể xảy ra tiêu cực gây bức xúc cho xã hội.
Có những vấn đề thuộc trách nhiệm trực tiếp của các bộ ngành, nhưng nó là vấn đề mang tính lịch sử, không thể giải quyết ngay mà cần phải có một lộ trình xử lý và thay đổi. Ví dụ, “quá tải bệnh viện”, vấn đề “độc quyền SGK dùng một lần”… đều là những vấn đề gây bức xúc và nhắc đến nhiều lần, nhưng đây không phải là vấn đề mới xuất hiện, mà là vấn đề có tính lịch sử không thể xóa bỏ hoặc thay đổi ngay tức thời, khi đó khi đánh giá cần phải xem xét động thái của người có trách nhiệm trong tiến trình giải quyết. Chủ trương một chương trình với nhiều bộ sách để người học được quyền lựa chọn, để xóa bỏ độc quyền; chủ trương phát triển mới các phân hiệu bệnh viện và đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa khám chữa bệnh… là những lộ trình xử lý cần được ghi nhận, là những cố gắng nỗ lực của những người đương nhiệm. Do vậy, cần quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể và biện chứng là hết sức cần thiết để có được ý kiến đánh giá xác đáng, công bằng đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm.
|
Nhiều lãnh đạo ngành, trong đó có ngành GD, đã rất nỗ lực
Qua các kỳ họp vừa rồi, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) đánh giá rất cao công tác giải quyết của các tư lệnh ngành về những vấn đề được cử tri và Quốc hội chất vấn. Đặc biệt, các lĩnh vực cá nhân cũng như cử tri tỉnh Quảng Trị quan tâm, tỷ lệ giải quyết các vấn đề đạt đến trên 80%. Ví dụ, vấn đề về cô nuôi trong ngành Giáo dục. Vừa qua, dù địa phương còn khó khăn nhưng đã có đề án hỗ trợ các cô nuôi ở vùng miền núi khó khăn. Đây là khởi sắc, là sự nỗ lực của tư lệnh ngành trong giải quyết khó khăn của địa phương cũng như của ngành Giáo dục.
Là một đại biểu rất quan tâm đến ngành Giáo dục vì từng có thời gian công tác trong ngành 10 năm, đại biểu Hồ Thị Minh nhận định, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nỗ lực rất lớn và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, đây là ngành liên quan đến rất nhiều đối tượng trong xã hội và cải cách giáo dục cần thời gian dài. Liên quan đến một số vấn đề nhạy cảm với dư luận trong ngành Giáo dục thời gian qua, đại biểu Hồ Thị Minh cho biết rất trăn trở về báo chí khi những vấn đề tốt, đã làm được được tuyên truyền ít; trong khi đó, vấn đề nhỏ, hạt sạn bé lại được khai thác nhiều, giật tít, tạo sự chú ý lớn.
Như vấn đề sách bài tập, thực ra là phương pháp để trẻ bớt sức lao động, dành thời gian vui chơi. Cách giải quyết không phải viết hay không viết trong sách mà phải tính đến sách nào viết, sách nào không viết. Hay vấn đề liên quan đến dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục... Luật Giáo dục lần này sửa đổi là giải pháp căn cơ nhất, cho ngành Giáo dục cơ chế để đội ngũ giáo viên có quyền nhất định trong công tác giảng dạy. Giáo dục là vừa dạy, vừa giáo dục, không chỉ dạy kiến thức mà còn giáo dục kĩ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh...
|
Hay như vấn đề xã hội hóa, cần làm sao để phụ huynh, xã hội hiểu rằng, xã hội hóa là điều tất yếu phải làm. Nhưng khi làm công tác tuyên truyền, lãnh đạo nhà trường làm không tốt, một vài phụ huynh đưa lên mạng xã hội tạo áp lực khiến trường không thể làm được... Sự đồng thuận đã có, nhưng vẫn có ý kiến không đồng thuận. Ý kiến không đồng thuận có thể ít, nhưng lại có thể tạo thành “chấn động” do cách tuyên truyền. Do đó, tới đây, phải xác định xã hội hóa để đem lại chất lượng giáo dục tốt nhất cho học sinh. Đó là điều phải làm, nhưng phải có cơ chế, phải được luật hóa mới phát huy tác dụng tốt.
Nói thêm về công tác phối hợp để giải quyết các vấn đề cử tri đặt ra giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Ví dụ về thực trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay, đại biểu Hồ Thị Minh cho biết: May mắn khi khảo sát ở Quảng Trị thì việc thừa thiếu giáo viên ít, nhưng nhìn mặt bằng chung, Sở Nội vụ khi giao biên chế đôi khi thiếu sự khảo sát, thiếu sự kết hợp với ngành Giáo dục. Có khi cho 5 chỉ tiêu nhưng lại phân bổ về địa phương giáo viên môn đã thừa, trong khi môn đang thiếu lại không có...
Rồi công tác luân chuyển giáo viên, nhiều giáo viên đang công tác ở đồng bằng rất ngại luân chuyển lên miền núi. Do đó, chính sách luân chuyển giáo viên cần quy định rõ; đừng để tình trạng quy định 3 năm nhưng thực tế giáo viên luân chuyển rồi nhưng ngày về không rõ. Đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của địa phương, không phải của Bộ GD&ĐT. Địa phương nào làm tốt công tác luân chuyển, địa bàn đó ít xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.