Đại học không vì lợi nhuận: Cơ hội tốt cho xã hội hóa giáo dục

GD&TĐ - Mô hình trường không vì lợi nhuận mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm gần đây và đang được bàn thảo trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Dù hiện chưa có trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận nhưng theo xu hướng phát triển chung của thế giới, việc tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích mô hình trường này phát triển ở Việt Nam là cần thiết.

Phát huy mô hình GDĐH không lợi nhuận là đòn bẩy để đưa hệ thống phát triển bền vững
Phát huy mô hình GDĐH không lợi nhuận là đòn bẩy để đưa hệ thống phát triển bền vững

Đảo đảm sự phát triển bền vững của GDĐH

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học hiện đã cơ bản hoàn thiện về vấn đề xã hội hóa giáo dục đại học, trong đó có vấn đề lợi nhuận, không lợi nhuận của trường tư. Theo ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này đã quán xuyến khá đầy đủ những vấn đề được đặt ra từ hoạt động thực tiễn của GDĐH. Về cơ bản 35 nhóm nội dung được xem xét, sửa đổi, bổ sung đều thể hiện những cách tiếp cận tiến bộ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này đã một bước thể chế hóa quyền tài sản theo tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XII. Đặc biệt là đã xác lập mô hình quản lý Nhà nước đối với cơ sở GDĐH công lập trong giai đoạn tới thông qua nội dung các điều 14, 15; trao quyền tự chủ đầy đủ cho Hội đồng trường thông qua nội dung Điều 16; hiệu chỉnh lại cách quản trị trường ĐH tư thục thông qua nội dung các điều 16a, 17, 20, 66, 67 nhằm tháo gỡ những bức xúc của ĐH tư thục; khẳng định nội hàm tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH thông qua nội dung Điều 32. Có thể nói những nội dung sửa đổi, bổ sung trên là cốt lõi để bảo đảm sự phát triển bền vững của GDĐH.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, về ĐH công lập đã khẳng định đó là thuộc “sở hữu Nhà nước” (Khoản 1, Điều 16). Tuy nhiên, các loại sở hữu khác như sở hữu tư nhân, sở hữu chung cộng đồng hoặc sở hữu tập thể thì không viết rõ. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định loại ĐH tư thục vì lợi nhuận: Sở hữu tư nhân, mọi định chế quản trị dựa vào vốn, được tham chiếu luật doanh nghiệp; loại ĐH tư thục không vì lợi nhuận, mọi định chế quản trị tương tự như đối với trường đại học công lập. Theo ông Đặng Văn Định, quy định này không tạo động lực cho nhà đầu tư.

Như vậy, nếu phân loại GDĐH theo sở hữu (Nhà nước, tư nhân, chung cộng đồng hoặc tập thể) rồi định chế về tổ chức theo 3 mô hình: ĐH công lập, ĐH tư thục không vì lợi nhuận, ĐH tư thục vì lợi nhuận thì sẽ rành mạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Đại học không vì lợi nhuận: Cơ hội tốt cho xã hội hóa giáo dục ảnh 1

SV thực hành thí nghiệm      Ảnh minh họa/ Internet

Cần chính sách hợp lý để phát triển

Theo ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam, mô hình phi lợi nhuận là một mô hình rất ưu việt trong hoạt động giáo dục. Trong điều kiện hiện nay, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là một chủ trương đúng đắn. Vì ngoài nguồn thu từ học phí và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, sau khi trừ đi chi phí hoạt động thì tất cả lợi nhuận sẽ tiếp tục tái đầu tư vào cơ sở vật chất, giáo trình, nâng cao chất lượng giáo viên, trao học bổng... mà không phải chia cho chủ sở hữu.

Ông Trần Đức Cảnh phân tích, ở Hoa Kỳ có trên 600 trường đại học lớn nhỏ theo mô hình phi lợi nhuận trên tổng số khoảng 4.500 trường, và đóng vai trò rất lớn cho giáo dục Hoa Kỳ và thế giới. Điển hình là 20 trường (university) hàng đầu của Mỹ và 90/100 trường (college 4 năm) hàng đầu của Mỹ theo mô hình này. Các nước Âu châu, Canada, Úc... cũng có mô hình và hướng phát triển tương tự.

Học phí thu ở các đại học phi lợi nhuận cao hơn trường công và trường lợi nhuận rất nhiều, vì xã hội đánh giá phần lớn loại trường này chất lượng và đẳng cấp hơn. Họ cũng có khả năng cấp học bổng nhiều cho sinh viên nghèo, học giỏi. Đồng thời, họ được miễn thuế, nhận được sự đóng góp từ cá nhân, xã hội vì xem tổ chức trường phi lợi nhuận là đóng góp cho xã hội, thay vì lợi nhuận cá nhân.

Ngược lại, các trường theo mô hình lợi nhuận, không được miễn thuế, không nhận được đóng góp từ các cá nhân và xã hội… mà còn bị áp lực lợi nhuận từ các nhà đầu tư, cổ đông. Hiện nay không có trường “lợi nhuận” nào nằm trong 500 trường hàng đầu của Mỹ.

Thực tế cho thấy, việc thành lập một tổ chức trường theo mô hình phi lợi nhuận hoàn toàn không khó. Tài chính hoạt động trường có thể đến từ nhiều nguồn đóng góp từ xã hội và tín dụng. Quan trọng là tổ chức trường có kế hoạch hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu và tạo niềm tin lâu dài cho người học. Tuy nhiên, để chuẩn nguyên tắc phi lợi nhuận thì cần phải nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố minh bạch trong tài chính là quan trọng nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ