Thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước
Đánh giá về việc bố trí ngân sách Nhà nước để phát triển GD, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngân sách Nhà nước được đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và chưa hiệu quả (theo năng lực và kết quả thực hiện). Việc Nhà nước chưa có cơ chế cấp kinh phí cho các trường thí điểm tự chủ gây khó khăn rất nhiều cho các trường khối kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là cơ sở GD ĐH định hướng nghiên cứu. Các chính sách như hỗ trợ lãi suất, đặt hàng đào tạo, tăng hỗ trợ SV chưa được thực hiện. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho nghiên cứu tại các cơ sở GD ĐH còn khá bất cập.
Để sử dụng hiệu quả ngân sách chi cho GD, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng mới quy chế quản lý tài chính theo mô hình tiên tiến, tạo động lực để các đơn vị nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hoạt động; đồng thời xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và áp dụng từ tháng 9/2018. Bên cạnh đó, nhà trường đảm bảo thực hiện chế độ miễn giảm học phí đối với các SV là đối tượng chính sách, hỗ trợ phần chênh lệch do tăng học phí. Trường xây dựng chính sách học bổng mới và thành lập quỹ học bổng chia làm 3 loại: Học bổng khuyến khích tài năng dành cho các SV giỏi, xuất sắc; học bổng hỗ trợ học tập dành cho các SV khá giỏi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; học bổng tài trợ, hỗ trợ đột xuất. Chính sách học bổng này được SV và các tổ chức doanh nghiệp đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ.
Từ năm 2016, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trương đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực bằng cách phát huy và mở rộng liên kết với các đối tác nước ngoài để phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo, tìm kiếm các cơ hội học bổng cho SV và cán bộ; xây dựng cơ chế, tìm kiếm, kết nối và mời chuyên gia giỏi người nước ngoài hoặc người Việt ở nước ngoài về trường hợp tác và làm việc; tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác đầu tư CSVC phục vụ các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ.
|
Tài chính khi tự chủ toàn diện
Từ năm 2017, thực hiện theo Đề án thí điểm đổi mới hoạt động để tự chủ toàn diện, trường đã tăng mức học phí đối với các khóa, tăng cao hơn đối với khóa mới nhập học, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với quy định của Chính phủ và vẫn thấp hơn so với cam kết trong đề án. Trường đã áp dụng phương thức tính học phí học lại, học ngoài chương trình, học chương trình chất lượng cao, giúp cải thiện nguồn thu học phí hợp pháp. SV, học viên mới nhập trường được cấp thẻ ATM phục vụ quá trình thu học phí được thuận tiện, chính xác. Bí quyết để việc đổi mới tài chính khi tự chủ toàn diện, cụ thể là việc tăng học phí được SV và gia đình chấp nhận, tạo điều kiện cho nhà trường, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết: Nhà trường đã làm tốt công tác đầu tư CSVC phục vụ đào tạo trước thời điểm tăng học phí và làm tốt công tác truyền thông nên việc tăng học phí không gây bức xúc trong SV, không ảnh hưởng tới kết quả tuyển sinh năm 2017.
Đảm bảo CSVC đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trên cơ sở các văn bản chính sách đã được ban hành, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác, bảo đảm được sự cân đối ngân sách và dành đầu tư cho phát triển CSVC. Trường được cho thuê tài sản, được quyết định việc sử dụng tài sản, CSVC và giá trị thương hiệu của trường để liên doanh, liên kết phục vụ cho các hoạt động GD-ĐT, NCKH, tư vấn và hỗ trợ SV… Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, việc thực hiện còn gặp nhiều bất cập như chưa có đủ cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện việc sử dụng tài sản của nhà trường trong góp vốn đầu tư, liên danh với các đối tác trong và ngoài nước để sử dụng cho các hoạt động đào tạo NCKH…
Năm 2016, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, nhà trường đã huy động được nguồn tài trợ từ các cựu SV, các đối tác để cải tạo và nâng cấp CSVC, tạo ra sự thay đổi khá nhiều về bộ mặt khuôn viên trường cũng như CSVC bên trong. Hiện nay, trường tiếp tục lập dự án để đầu tư, xây mới một tòa nhà phục vụ giảng dạy.
Đổi mới nhận thức thúc đẩy trường thực hiện hàng loạt đổi mới
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có sự đổi mới quan điểm và nhận thức trong các cấp quản lý cũng như trong toàn thể cán bộ và SV. Như nhận định của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, sự đổi mới trong nhận thức đã tạo động lực thúc đẩy nhà trường thực hiện hàng loạt đổi mới trong cơ cấu tổ chức và quản lý, đổi mới các hoạt động đào tạo nghiên cứu, chủ động đầu tư tăng cường CSVC, thực hiện các giải pháp để thu hút cán bộ giỏi, thu hút người học và thu hút nguồn lực của xã hội, tăng cường cạnh tranh trong nước, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả các lĩnh vực hoạt động.
Được tạo một hành lang đổi mới thông thoáng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tích cực tìm kiếm, khai thác và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế với nguồn vốn của nước ngoài nhằm phát triển đội ngũ cán bộ và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.