Nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không muốn học sinh dân tộc thiểu số thiệt thòi, các cơ quan ban ngành, nhà trường tại Kon Tum đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Góc thư viện xanh trong từng lớp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
Góc thư viện xanh trong từng lớp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Trải nghiệm văn hoá truyền thống

Nhằm giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện của bản thân và yêu cầu đào tạo nhân lực của địa phương, đất nước, trường TH-THCS Lê Lợi (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị tại địa phương để tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế. Quá trình tham quan thực tế tại gia đình bà Y Lăn - làm dệt thổ cẩm tại địa phương khiến học sinh vô cùng thích thú. Tại đây các em trải nghiệm, học tập nghề dệt của những nghệ nhân.

Tương tự, năm học này, Trường PTDTBT THCS Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô, Kon Tum) có tổng số 311 học sinh, đa số các em là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn, túng thiếu nên ngoài giờ học trên lớp nhiều em phải đi mót mủ cao su, cà phê hay hái đót… để phụ giúp gia đình. Chính vì vậy ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học và duy trì sĩ số học sinh, đặc biệt vào dịp Noel, lễ Tết.

Học sinh Kon Tum trải nghiệm dệt thổ cẩm.
Học sinh Kon Tum trải nghiệm dệt thổ cẩm.

Cô Lê Thị Mai Hoa, giáo viên Lịch sử cho hay, nhằm giúp các em vượt khó, vươn lên trong học tập thầy, cô thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư của học trò. Đặc biệt vấn đề hướng nghề, hướng nghiệp được giáo viên đặc biệt quan tâm. Với những em có học lực Khá, Giỏi giáo viên khuyến khích học sinh tiếp tục học lên cấp 3. Còn những em học lực Trung bình hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn được tư vấn để chọn ngành nghề phù hợp, tránh làm gánh nặng cho gia đình.

“Trong những năm qua ngành nghề được học sinh quan tâm và lựa chọn nhiều nhất là sửa xe máy và may mặc… Đây cũng là ngành nghề phù hợp và được ưa chuộng tại địa phương”, cô Mai Hoa bày tỏ.

Sẻ chia khó khăn

Thương học sinh khó khăn, dân tộc thiểu số nên hơn 3 năm qua, trường Tiểu học Phan Đình Giót (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã thực hiện công trình măng non “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Công trình được chia làm 2 ngăn để học sinh phân loại giấy vụn và vỏ lon, chai nhựa nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường.

Cô Hoàng Thị Xuân Thanh, Tổng phụ trách đội cho biết, qua hoạt động này nhà trường tuyên truyền đến học sinh những cách bảo vệ môi trường. Đồng thời giáo dục các em phải biết sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn. Sau một thời gian thực hiện, nhà trường sẽ tổng hợp lại để mua sách vở, quần áo hoặc nhu yếu phẩm… tặng cho học sinh khó khăn, đặc biệt là những bạn người dân tộc thiểu số.

“Món quà không lớn nhưng phần nào động viên, khích lệ các em cố gắng trong học tập. Đặc biệt, những học sinh người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn thì việc mua đồ chơi rất là xa xỉ. Do đó, nhà trường thường xuyên khuyến khích học sinh làm đồ chơi từ vật liệu phế thải. Đây cũng là hoạt động nhằm giáo dục các em gìn giữ vệ sinh trường lớp và môi trường xung quanh”, cô Thanh nói.

Học sinh phân loại rác thải, bán gây quỹ hỗ trợ những bạn khó khăn.
Học sinh phân loại rác thải, bán gây quỹ hỗ trợ những bạn khó khăn.

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cũng xây dựng mô hình “Thư viện xanh” và “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Để xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, học sinh bỏ giấy, rác thải nhựa… vào “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” nhằm gây quỹ của liên đội và giúp các em có ý thức vứt rác đúng nơi quy định. Còn những vật dụng như lốp ô tô, chai nhựa, lon bia hay lon sữa… đều được cô trò tận dụng làm đồ chơi, đồ dùng học tập. Hoạt động này giúp học sinh, nhà trường tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường xanh. Đặc biệt tạo cho các em có một thư viện xanh gần gũi với thiên nhiên, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú đọc sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ