Mục tiêu Đề án hướng đến là huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Lộ trình phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đạt 50% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 50% trường THCS, 55% trường THPT có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, bổ sung đủ số phòng học, không còn phòng học tạm, mượn, xuống cấp. Ngoài ra, đảm bảo 100% trường học có phòng học tin học và thiết bị dạy học ngoại ngữ. 100% nhà trường có đủ thiết bị dạy học tối thiểu và bổ sung 30% tổng nhu cầu phòng chức năng.
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Dự án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án là hơn 2.100 tỷ đồng. Cụ thể, ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là hơn 1.815 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động xã hội hóa và các nguồn tài trợ, viện trợ là hơn 320 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô cho biết: Năm học 2021 - 2022 địa phương có 31 trường với 538 lớp. Tổng số học sinh là 15.017 em (tăng 662 học sinh so với năm học trước).
Để đáp ứng tốt công tác dạy và học, huyện Đăk Tô sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa một số hạng mục của cơ sở giáo dục. Theo đó, sửa chữa nhà vệ sinh, nước sạch cho 14 điểm trường; sửa chữa 23 phòng học, xây mới tường rào cho 1 điểm trường, làm mới, sửa chữa sân bê tông cho 3 điểm trường.