Nơi sinh hoạt văn hóa
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa là ngôi trường đặc thù với 540 học sinh, trong đó chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua nhà trường cũng luôn chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em.
Nằm ngay cạnh khu nhà sàn là phòng truyền thống có diện tích khoảng 500 m2. Nơi đây hiện đang trưng bày hàng trăm hiện vật, công cụ lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa, gồm: Thái, Mường, Dao, Thổ, Khơ Mú,...
Ngay tại lối vào phòng truyền thống là các hiện vật quen thuộc trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc. Chẳng hạn như khua luống - một loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của tộc người Thái. Những chiếc cồng chiêng - nhạc cụ vốn thường thấy trong các dịp lễ, Tết của người Mường xứ Thanh.
Bên cạnh những hiện vật, tại phòng truyền thống cũng trưng bày nhiều công cụ trong lao động sản xuất, như: Cối giã gạo, rìu, rựa, ná bắn thú rừng, chum, vại, túi thổ cẩm, trang phục truyền thống của các tộc người.
Tại khu bếp, trưng bày nhiều vật dụng quen thuộc như nồi đồ xôi, nồi nấu rượu, ống đựng thức ăn, khung cửi dệt vải, guồng giăng sợi,... Thậm chí, các thầy cô còn kỳ công sưu tầm từng bó lúa để treo trên gác bếp, như nếp sinh hoạt thường thấy của đồng bào người dân tộc thiểu số.
Ngoài những hiện vật, công cụ lao động sản xuất của người đồng bào, phòng truyền thống còn trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh của nhà trường trải qua các thời kỳ. Cùng với đó là thành tích mà thầy và trò nhà trường đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi, Festival,...
Nữ sinh dân tộc Thái Lê Hà Chinh, lớp 11E. Ảnh: LT. |
Với nữ sinh dân tộc Thái Lê Hà Chinh (lớp 11E), phòng truyền thống và khu nhà sàn từ lâu đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa vào mỗi dịp lễ, Tết. Trước khi trở thành học sinh của trường, Chinh vô cùng ấn tượng về hình ảnh nhà trường thông qua những trang báo.
“Khi được học tập ở trường, em nhiều lần được tham quan phòng truyền thống và khu nhà sàn. Cảm nhận đầu tiên của em về nơi này đó là sự thân thuộc, bởi nhiều hiện vật, công cụ lao động quen thuộc của đồng bào mình được trưng bày tại đây.
Những nét đẹp tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa đựng cả một lịch sử đầy hào hùng của dân tộc”, Chinh chia sẻ.
Bồi đắp tình yêu, lòng tự hào dân tộc
Nữ sinh Lê Hà Chinh cũng cho rằng, phòng truyền thống và khu nhà sàn còn có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp tình yêu của học sinh đối với dân tộc mình. “Em nghĩ rằng, đây cũng là hình thức giáo dục của nhà trường trong việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa.
Khu trưng bày nhiều công cụ lao động sản xuất của người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: LT. |
Để từ đó chúng em biết trân trọng những giá trị văn hóa, có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ những nét đẹp ấy. Đồng thời, cũng tạo động lực để chúng em vươn lên, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Chinh bộc bạch.
Cô Phạm Thị Giang, giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa cho rằng, những hiện vật trưng bày tại phòng truyền thống tuy giản dị, nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn. Bởi đây là nơi giáo dục cho các thế hệ học sinh về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
“Cùng với những hiện vật, phòng truyền thống còn lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh về nhà trường trải qua các thời kỳ. Vì vậy, đây còn là nơi để thầy và trò cùng ôn lại truyền thống của nhà trường.
Là giáo viên và cũng từng là học sinh của ngôi trường này, tôi cảm thấy biết ơn vì Ban giám hiệu đã kỳ công sưu tầm, lưu giữ nhiều hiện vật tại nơi này. Mỗi lần ghé thăm phòng truyền thống, tôi như tìm thấy thanh xuân của mình từng gắn bó ở nơi này”, cô Giang chia sẻ.
Khu bếp trưng bày nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Vật dụng được bày trí gọn gàng, sinh động. Ảnh: LT. |
Thầy Lê Đình Thuật - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khu nhà sàn được nhà trường xây dựng từ năm 2020. Đây là không gian sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ, Khơ Mú,... Chính vì vậy, khi xây dựng mô hình này, nhà trường cũng mong muốn giáo dục cho các thế hệ học sinh về văn hóa, cội nguồn của dân tộc mình”.
Theo thầy Thuật, hiện phòng truyền thống của nhà trường đang trưng bày khoảng 100 hiện vật, dụng cụ lao động sản xuất các loại, chủ yếu của người đồng bào dân tộc Thái, Mường, Dao,...
Phần lớn những hiện vật, dụng cụ lao động sản xuất được làm từ gỗ, tre hoặc nứa nên trải qua thời gian thường hay bị mối, mọt. Vì vậy, nhà trường dự kiến sẽ khôi phục một số vật dụng đã bị mối mọt, hư hỏng.
Bình luận