Kon Tum chú trọng hướng nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Ở vùng DTTS điều kiện còn nhiều khó khăn, thầy cô định hướng cho các em thi vào trường nội trú hoặc học nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Trường học ở huyện Kon Plông lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong các tiết dạy.
Trường học ở huyện Kon Plông lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong các tiết dạy.

Khuyến khích học sinh thi vào trường nội trú

Kon Tum nói chung, huyện Kon Plông nói riêng là khu vực miền núi với điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy còn nhiều vất vả, nhưng bà con vẫn chú trọng đến việc học của con em mình với hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi.

Bà Y Hoa (SN 1979, xã Măng Bút) chia sẻ, gia đình bà chỉ có vỏn vẹn 3 sào đất trồng lúa nước. Do đó, ngoài vụ mùa ai thuê gì bà đều nhận làm với hy vọng kinh tế gia đình sẽ ổn định hơn. Tuy điều kiện kinh tế chưa khá, nhưng gia đình vẫn quan tâm đến việc học của các con.

“Con mình năm nay đang học lớp 8 nên gia đình rất quan tâm và luôn nhắc nhở cháu học tập. Tuy nhà còn nghèo khổ, nhưng mình luôn động viên con cố gắng học tập để sau này bớt vất vả. Sang năm nếu thành tích học tập của con không tốt mình cũng sẽ cố gắng cho cháu đi học nghề. Sau này không phải làm việc tay chân vất vả như cha mẹ”, bà Y Hoa nói.

Thầy Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 1 cho biết, năm học 2022-2023 toàn trường có 422 học sinh, trong đó cấp THCS là 173 em. Học sinh đa số là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng và kinh tế gia đình phụ thuộc vào ít nương rẫy.

Theo thầy Đức, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp được nhà trường triển khai tới học sinh và phụ huynh ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với các trường nghề để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhà trường cũng chú trọng định hướng nghề nghiệp gắn với địa lý, và tình hình thực tế nơi các em sinh sống. Theo đó, nhà trường chú trọng những nghề như: Nông – Lâm nghiệp, tư pháp… để sau khi theo học các em có thể làm việc, cống hiến tại địa phương. Ngoài ra, với những em điều kiện gia đình khó khăn, nhà trường tư vấn, hướng học sinh học nghề sửa xe, cắt tóc…

“Những năm qua, nhà trường luôn định hướng cho học sinh thi vào Trường DTNT huyện hoặc tỉnh. Nếu đậu, các em sẽ không phải lo lắng về chi phí ăn ở và học tập. Với những em không đậu đơn vị tuyên truyền, hướng học sinh học văn hoá song song với học nghề.

Trong năm học 2021-2022, 60% học sinh của trường tiếp tục học lên THPT, còn 40% học nghề sửa xe máy, cắt tóc… Những nghề này chi phí học tập thấp lại phù hợp với nhu cầu của bà con”, thầy Đức chia sẻ.

Đa dạng hình thức định hướng nghề nghiệp

Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 2 tổ chức cho học sinh trải nghiệm trồng trọt.

Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 2 tổ chức cho học sinh trải nghiệm trồng trọt.

Tương tự, trong những năm qua, Trường PTDTBT cấp 1, 2 Măng Bút 2 chú trọng hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều phương án và hoạt động thực tế.

Thầy Nguyễn Thành Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, dựa vào đặc trưng của bộ môn, các môn học đều có thể và cần giáo dục hướng nghiệp một cách thích hợp. Theo đó, qua các kiến thức khoa học có thể cung cấp cho học sinh những tri thức về tiềm năng đất nước, khả năng và thành tựu của nhân dân trong lao động. Bên cạnh đó là sự phát triển các ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công, công nghiệp then chốt. Từ đó, giáo dục các em ý thức chọn ngành, nghề đúng đắn. Đặc biệt chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đi vào các ngành nghề đang cần phát triển để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương.

Theo thầy Nhẫn, thông qua môn Công nghệ (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, cơ khí, kỹ thuật điện, vô tuyến điện, v.v...) nhà trường giới thiệu cho học sinh những nghề cơ bản có liên quan trực tiếp. Từ đó tổ chức cho học sinh thực hành kỹ thuật, sản xuất trong những ngành nghề đó. Không những thế, thường xuyên tổ chức cho học sinh trải nghiệm tham gia lao động sản xuất tại địa phương. Qua lao động sản xuất, giáo dục các em ý thức đúng đắn đối với nghề nghiệp. Thông qua những hoạt động này giúp phát triển hứng thú, năng lực của học sinh đối với một vài dạng lao động nhất định. Đồng thời hướng dẫn học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với năng lực của bản thân.

Cũng theo vị Hiệu trưởng, đơn vị luôn chú trọng hướng nghiệp cho học sinh theo các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công như các nghề trồng trọt, chăn nuôi (trồng cây lương thực, cây lấy gỗ, cây ăn trái, chăn nuôi gia cầm, gia súc ...). Bên cạnh đó là những nghề phổ biến như mộc, nề, cơ khí ...nghề truyền thống, xuất khẩu.

“Đơn vị cũng thường xuyên xây dựng các tổ ngoại khoá, đặc biệt về kỹ thuật, nhằm phát triển hứng thú học tập và nghề nghiệp của học sinh. Đối với những học sinh có xu hướng và năng khiếu về các ngành nghề liên quan đến nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, hoạt động xã hội đơn vị cũng quan tâm, tổ chức bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, kết hợp với đoàn thanh niên và đội thiếu niên tổ chức những buổi tọa đàm hướng dẫn học sinh lựa chọn nghề. Qua đó, vận động nam nữ thanh niên đi vào những nghề Nhà nước, địa phương đang cần nhiều nhân lực”, thầy Nhẫn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.