Nhiều chuyển động tích cực
Nhìn nhận ở góc độ cấp vĩ mô và cơ sở, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định: Lĩnh vực giáo dục đại học có nhiều chuyển động tích cực. Điển hình như: Trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng cả hệ thống vẫn duy trì hoạt động tốt.
Các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học diễn ra bình thường, không bị gián đoạn. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến đào tạo trực tuyến trong bối cảnh Covid-19. Trong đó, có Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT. Thông tư này cho phép các cơ sở đào tạo được tổ chức lớp học theo phương thức trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng.
Ngoài ra, có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức lớp học phương thức trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học trực tiếp. Đặc biệt, Thông tư quy định đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến.
“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục” – TS Lê Viết Khuyến khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Cũng trong bối cảnh ấy, Bộ GD&ĐT đã có nhiều quyết sách đúng và trúng về tuyển sinh. Nhờ đó, công tác này diễn ra an toàn, ổn định, phát huy được quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – viện dẫn: Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là quốc gia tiên phong và trở thành một trong những nước đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo; trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid-19 gây ra, các cơ sở đào tạo đã chuyển đổi và thích ứng nhanh chóng: Từ đào tạo trực tiếp sang 100% trực tuyến. “Covid-19 là một trong những yếu tố chính, tác động để các trường đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập. Trong đó, nhiều trường đại học đã tổ chức quản lý hoạt động đào tạo trên nền tảng quản lý học tập hiện đại (LMS)”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ghi nhận.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, sau hơn 7 năm triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học đã hội nhập theo chuẩn mực của quốc tế; có sự đột phá về chất lượng và chuyển mình mạnh mẽ về chương trình đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vị thế quan trọng dẫu rằng phía trước còn nhiều việc phải làm, phải đổi mới. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Đơn cử, chúng ta có 11 cơ sở giáo dục đại học lọt tốp những trường đại học tốt nhất châu Á, cùng nhiều cơ sở được xếp hạng đại học quốc tế uy tín.
Điểm sáng trong bức tranh chung về giáo dục
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận: Năm 2022 giáo dục đại học sẽ tiếp tục khẳng định và phát huy thành tích đạt được để trở thành điểm sáng trong bức tranh chung về giáo dục. Trong đó, hai vấn đề cần được quan tâm đẩy mạnh là cơ chế tự chủ và chuyển đổi số giáo dục. “Tôi tin, các cơ sở giáo dục đại học sẽ làm được và phát huy hiệu quả cơ chế tự chủ vào tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị. Qua đó tự khẳng định mình trên hệ thống các trường đại học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đào tạo trực tuyến cũng sẽ là nhu cầu tất yếu và tự thân của các trường đại học”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Còn theo TS Lê Viết Khuyến, tự chủ là chủ trương lớn, xu hướng tất yếu. Bước sang năm mới, chủ trương này cần tiếp tục được đẩy mạnh. Trên cơ sở đó, sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học khẳng định thương hiệu, vị trí xếp hạng trong khu vực và thế giới.
Ngoài ra, muốn có được đội ngũ nhân lực chuẩn bị cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần có chiến lược giáo dục. Theo đó, cần thực hiện một số nguyên tắc như: Giáo dục đi trước một bước để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề; từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển (kể cả tạo điều kiện thuận lợi để gọi vốn đầu tư). Nhờ vậy, ngân sách Nhà nước mới tăng, kéo theo ngân sách cho giáo dục cũng tăng…. “Chúng ta không thể có một lời giải đúng đắn nhất, mà chỉ có một loạt những lời giải tối ưu cho từng thời điểm, đối với bài toán quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho rằng: Cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục THCS) và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề). Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học, chuyên nghiệp. Thông qua đó, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống.
Cùng với đó, cần thiết lập cơ chế mở, liên thông đào tạo, kiên quyết xóa bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, tư tưởng cục bộ ở từng trường hoặc từng ngành, từng lĩnh vực trong hệ thống. Trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học cần kiên quyết xóa bỏ ngay cơ chế “xin – cho”, thực hiện quyền tự chủ – tự chịu trách nhiệm xã hội thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế “hội đồng trường đích thực”, tiến tới xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”. Đồng thời, Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, hoàn thiện quy chế trường đại học tư không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở giáo dục đại học này.
Cần đổi mới và phát triển toàn diện
Một trong những điều mà đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và việc làm của sinh viên khi ra trường. Đào tạo đại học thuộc đào tạo bậc cao, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chạy theo số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng nên “sản phẩm” đầu ra chưa được như mong muốn.
“Làm sao để chất lượng đào tạo ngày càng nâng lên, để sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng mà không phải đào tạo lại. Làm sao, để sinh viên ra trường có việc làm; qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu cá nhân, mà còn giải quyết bài toán nhân lực cho xã hội và tránh lãng phí chất xám” – đại biểu Phạm Văn Hòa trăn trở, đồng thời nhấn mạnh: Việc đầu tiên là các cơ sở giáo dục đại học không nên “chạy đua” theo số lượng và lợi nhuận kinh tế. Cần có cam kết về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của sinh viên. Thậm chí, nếu có cam kết về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là lý tưởng nhất.
Đồng thời, có dự báo thị trường lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp, thích ứng với nhu cầu xã hội. “Tuy nhiên, theo tôi giải pháp mang tính tổng thể là: Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các cơ sở đào tạo giáo viên” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Khang - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - phân tích: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Cuộc cách mạng này đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội nói chung cũng như giáo dục đào tạo và giáo dục đại học nói riêng.
Trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cần đổi mới toàn diện định hướng phát triển năng lực, nhằm tận dụng được các thành tựu mới của cuộc cách mạng này cũng như đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, trình độ và chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từ đó tăng cường khả năng hợp tác và hội nhập quốc tế.
“Giáo dục đại học Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và chất lượng cao. Nguồn nhân lực này cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp tốt, đáp ứng được các đòi hỏi mới, liên tục thay đổi của công cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - PGS.TS. Nguyễn Khang trao đổi, đồng thời khẳng định: Giáo dục đại học Việt Nam cần định hướng mô hình đào tạo dựa trên việc phát triển năng lực của người học bao gồm: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Năng lực này cần xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của xã hội, nhu cầu luôn biến động của doanh nghiệp.