Hội thảo Giáo dục đại học ứng phó với khủng hoảng vừa tổ chức thành công, những đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý về thành công của Hội thảo, đặc biệt là giáo dục ứng phó với dịch Covid-19 và vấn đề đặt ra cho chuyển đổi số là hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Giáo dục học: Hội thảo được tổ chức rất chuyên nghiệp. Nội dung có Ý nghĩa cấp thiết, thời sự, đề cập tới những vấn đề của giáo dục đại học (GDĐH) thế giới, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, như là chuyển đổi số và sự thích ứng với khủng hoảng Covid-19, vấn đề xếp hạng đại học, vấn đề quốc tế hoá GDĐH, thị trường GDĐH…. Đây là những thông tin bổ ích, quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo đại học có cái nhìn tổng quan, nhiều chiều về những thách thức toàn cầu đối với GDĐH.
GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global): Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (VES) có một vai trò cốt lõi trong sự vận động của AVSE Global (mạng lưới giáo dục toàn cầu). VES như một “think tank” tạo không gian suy nghĩ, thúc đẩy hình thành những tư duy mới cho phát triển con người, dạy, và học trong bối cảnh thay đổi không ngừng của khoa học, công nghệ và những thách thức thời đại như biến đổi khí hậu, xoá nghèo, sức khoẻ, bình đẳng giới, phát triển toàn diện.
Các tham luận tại VES 2021 đã cung cấp nhiều thông tin khoa học quan trọng về chính sách và thực tiễn GDĐH ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đó chúng tôi hi vọng những ý tưởng mới, hành động mới tiếp tục được nghiên cứu, triển khai cho sự phát triển bền vững giáo dục đại học ở Việt Nam.
TS Nguyễn Thuỵ Phương (Sáng lập viên EduNet, Giám đốc Diễn đàn Giáo dục Việt Nam): VES 2021 cso sự tham gia của cộng đồng các nhà khoa học giáo dục trong và ngoài Việt Nam. Điều đáng quý là các diễn giả khách mời đều là chuyên gia hàng đầu đến từ 4 quốc gia Anh, Mỹ, Ý, Úc. Họ giúp chúng ta phân tích nền GDĐH quốc tế nói chung và đối chiếu GDĐH Việt Nam ở các bình diện quốc tế hóa, chính sách, quản trị, chính trị học.
Trong tiêu đề của Diễn đàn lần này, chúng tôi muốn bàn đến các cuộc khủng hoảng mà nền GDĐH các quốc gia đã và đang trải qua. Nhưng khủng hoảng Covid-19 chỉ là 1 trong số nhiều vấn đề giáo dục phải đối mặt chứ không riêng bậc đại học. VES lần 1 nói về GD phổ thông, VES lần 2 về đại học. VES lần thứ 3, chúng tôi muốn hướng đến mẫu giáo vì đây là bậc học mang tính nền móng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt bậc học này vẫn thiếu vắng những công bố từ Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế.
PSG.TS Bùi Thị Minh Hồng, Giám đốc AVSE Global: Vietnam Education Symposium (VES) là chuỗi hội thảo và bàn tròn bàn luận về giáo dục thế giới cũng như những tác động, ảnh hưởng lên giáo dục Việt Nam. Chiến lược dài hạn của VES, mà cao hơn cả là Edunet-AVSE Global- là tổ chức các hội thảo, diễn đàn giáo dục quốc tế tại Việt Nam, tiến hành các nghiên cứu và tư vấn chính sách cũng như chiến lược để làm cầu nối cho các học giả lớn thế giới tới gần và hiểu Việt Nam hơn.
AVSE Global hội tụ trí tuệ người Việt và gốc Việt trên phạm vi toàn cầu, với một mạng lưới trên 10000 người, 300 thành viên đang sống và làm việc trên hơn 20 quốc gia khác nhau. Tôi mong muốn lực lượng này có trình độ chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ Chủ chốt cho động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ tới, và quan trọng nhất là chia sẻ một tình yêu lớn với Việt Nam, một tinh thần cống hiến tập thể cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.