Đó là: Hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; chất lượng có chuyển biến đột phá; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, chuyển dịch nhanh và mạnh mẽ cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế
Có thể thấy chưa bao giờ giáo dục của Việt Nam đổi mới nhanh và mạnh mẽ, tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm qua. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là những kết quả trong việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, xếp hạng ĐH.
Đến nay, hầu hết cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam có đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng; 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và cấp phép hoạt động.
Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 149 cơ sở giáo dục ĐH và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 55% tổng số các trường ĐH, học viện trong cả nước. Có 7 trường ĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Có 145 chương trình đào tạo của 43 trường ĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước; 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Qua tự đánh giá, đánh giá ngoài, nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực, hiệu quả hơn. Các cơ sở giáo dục đã thay đổi cách nhìn nhận về công tác quản lý và chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý nhà trường, quản lý dạy, học.
Nếu kiểm định phản ánh chất lượng thì xếp hạng ĐH nói lên đẳng cấp. Từ năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam, 2 ĐHQG có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường hàng đầu thế giới theo Bảng xếp hạng QS. Đến nay, nước ta có 4 ĐH lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường ĐH nằm trong bảng xếp hạng châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới… Đó là những thành tựu lớn lao, kết quả của sự bứt phá vươn lên trong những năm gần đây của giáo dục ĐH Việt Nam.
Chuyển biến đột phá về chất lượng
Công bố quốc tế, chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng người học ở bậc ĐH, sau ĐH có bước nhảy vọt so với giai đoạn trước.
Chất lượng đầu ra của người học về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học đều yêu cầu cao hơn so với trước đây. Đặc biệt về ngoại ngữ, đến nay có những bước tiến quan trọng: Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ bậc ĐH là B1, với các chương trình quốc tế, tài năng, chất lượng cao sinh viên còn đạt chuẩn đầu ra cao hơn; chuẩn đầu vào với thạc sĩ là B1 và B2 với nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo còn chú trọng đổi mới sáng tạo, trang bị kiến thức về các kỹ năng mềm và khởi nghiệp cho người học. Đây là những chỉ đạo và định hướng đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục ĐH một cách toàn diện hết sức quan trọng, đúng đắn và kịp thời.
Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, hoạt động đào tạo gắn với nghiên cứu được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo triển khai ở tất cả trường ĐH. Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh được xem như giải pháp đột phá để tăng cường công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng đào tạo. Từ nhóm nghiên cứu mạnh của các trường ĐH đã tiến tới thành lập một số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, có vai trò dẫn dắt trong hoạt động khoa học công nghệ của quốc gia.
Chất lượng đội ngũ tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, GS, PGS, TS không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế; thì nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc GS, PGS và cả nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế.
Đến nay, hơn 80% nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên - công nghệ của ĐHQG Hà Nội, cũng như nhiều nghiên cứu sinh của các trường ĐH khác khi bảo vệ luận án TS đều đã có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI...
Cá biệt, có trường hợp đặc biệt xuất sắc như NCS Trần Quốc Quân, NCS Phạm Hồng Công - ngành Cơ học Kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, từ khi là sinh viên đến khi bảo vệ luận án TS chỉ có 3 năm (được chuyển tiếp NCS), mỗi người đã có khoảng 20 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín. Với thành tích như vậy là niềm mơ ước của nhiều cơ sở đào tạo NCS ở nước ngoài.
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc). Chỉ số trích dẫn các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cũng ngày càng tăng. Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng của thế giới được quốc tế đánh giá và bình chọn khách quan. Đây là những chuyển biến quan trọng về chất lượng đội ngũ, là kết quả rất đáng tự hào của giáo dục ĐH Việt Nam.
Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài
Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường ĐH tích cực triển khai chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Đội ngũ giảng viên tham gia chương trình này là những giảng viên ưu tú của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài, nhằm phát triển quốc tế hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu. Bên cạnh đó, với chương trình 322, 911, chúng ta đã cử đi đào tạo được hàng nghìn trí thức trẻ, ưu tú đi học ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chưa từng có kéo theo yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và đang tạo ra những cơ hội cũng như thách thức với giáo dục ĐH. Giáo dục ĐH Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số và bên cạnh đó có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh và phù hợp. Tính từ đầu năm 2016 - 31/7/2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ ĐH là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, máy tính và công nghệ thông tin (CNTT), khoa học xã hội và hành vi, kinh doanh quản lý, pháp luật. Bộ GD&ĐT cũng có Công văn 5444/BGDĐT-GDĐH ban hành cơ chế đặc thù về đào tạo CNTT, cho phép sinh viên các ngành khác được học thêm văn bằng 2, chính quy về CNTT. Một số ngành mới khác như an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, robotics, khoa học dữ liệu, công nghệ hàng không vũ trụ đã được mở ở ĐHQGHN; các ngành tự động hóa, CNTT, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý hệ thống thông tin, công nghệ nano, vật liệu và kết cấu tiên tiến... được giảng dạy và đào tạo ở nhiều trường ĐH khác trong cả nước, cho thấy giáo dục ĐH của Việt Nam đang đi nhanh và đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 diễn ra khắp nơi cũng như trong tất cả lĩnh vực trên thế giới.
Tóm lại, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục ĐH Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Những thành tựu đổi mới đó tác động đến toàn bộ hoạt động của ngành Giáo dục, và sâu xa hơn, đến toàn thể xã hội, chi phối và làm đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục của nước nhà. Thành quả lớn lao nhất là từ chính những đổi mới đó, chúng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận và nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ cao, trẻ tuổi tài năng, đủ sức gánh vác sứ mệnh lớn lao và vẻ vang của đất nước trong giai đoạn mới.