Thực tế phương thức này đã được nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) áp dụng từ vài năm nay. Vậy, cơ hội nào cho mô hình này trong hệ thống GDĐH Việt Nam ở tương lai?
Cơ hội lớn cho sự chuyển đổi
Phương thức giảng dạy E-Learning đã và đang thể hiện được những mặt ưu việt của nó trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách. Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, việc học trực tuyến không chỉ cho phép giảng viên và sinh viên tương tác mọi lúc mọi nơi, mà còn giúp giải quyết sự bị động khi giảng viên và học sinh không thể tương tác trực tiếp với nhau. Đặc biệt, E-learning mở rộng các loại hình giáo dục trực tuyến và MOOCs nhằm tăng cường cơ hội học tập cho người dân, giảm khoảng cách thành thị và nông thôn cũng như thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời.
PGS.TS Vũ Hữu Đức cho rằng, hình thức học tập trực tuyến chưa bao giờ có cơ hội phát triển lớn như lúc này. Ông dẫn chứng trong GDĐH, khảo sát 1.469 sinh viên và 1.286 giảng viên và nhà quản lý tại 856 trường tại Hoa Kỳ công bố vào tháng 5/2021 cho thấy sau đại dịch, 73% sinh viên cảm thấy thích lấy một số khóa học trực tuyến và 63% thích các khóa học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Trong khi đó, có 53% thích dạy trực tuyến và 57% thích các lớp kết hợp (Kelly, 2021).
Đánh giá cơ hội và sự chuyển dịch trên, TS Lê Thái Thường Quân - Khoa Đào tạo sau đại học, Trường ĐH Mở TPHCM cho biết, mạng lưới các trường đại học nghiên cứu trẻ ở châu Âu (YERUN) đưa ra báo cáo các kết quả đạt của các trường khi chuyển đổi trạng thái dạy học trên 5 phương diện gồm giáo dục, nghiên cứu, quốc tế hóa, gắn kết xã hội và quản trị.
Trong cả 5 phương diện trên, ứng dụng công nghệ và truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng để các trường đại học vượt qua thách thức, thay đổi cách nhìn nhận và thay đổi để phát triển.
Hệ thống GDĐH Việt Nam sẽ chuyển mình nhờ E-learning?
Với lợi thế là hạ tầng Internet phát triển nhanh chóng, người dân ngày càng quen thuộc với giao dịch qua mạng và quyết tâm của Chính phủ trong chuyển đổi số, theo nhiều chuyên gia, phương thức giáo dục E-learning sẽ phát triển mạnh mẽ trong hệ thống GDĐH Việt Nam khi phát huy được 2 điểm ưu việt nhất là nâng cao giảng dạy và học tập theo mô hình kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến, giúp sinh viên xây dựng các kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc thay đổi.
PGS.TS Vũ Hữu Đức cho biết, sự phát triển của E-learning trong thời gian gần đây mở ra nhiều cơ hội cho GDĐH nhưng thách thức cũng là rất lớn. Đó là việc chúng ta thiếu một định hướng quốc gia về phát triển E-learning cũng như khung pháp lý cần thiết cho việc triển khai và bảo đảm chất lượng.
Khó khăn thứ 2 nằm ở nguồn lực tài chính của nhà trường còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và xây dựng nội dung số.
Thứ ba là đội ngũ giảng viên chưa được đào tạo các kỹ năng cần thiết về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy cũng như xây dựng nội dung số cho các khóa học trực tuyến hoặc kết hợp.
Cuối cùng là sự cạnh tranh giữa các trường tăng lên do sự thu hút người học từ các chương trình trực tuyến xuyên biên giới với chất lượng cao, chi phí thấp (danh tiếng các trường cấp bằng với nhau).
Nhìn nhận cơ hội chuyển đổi và thúc đẩy E-learning trong hệ thống GDĐH là rất lớn nhưng theo GS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì vấn đề của các trường không chỉ là việc chuyển đổi và nâng cấp hạ tầng công nghệ, mà điều quan trọng là làm như thế nào, làm những điều gì để chuyển đổi thành công.
PGS.TS Trương Văn Vỹ - Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG - TPHCM) cho rằng phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin (E-learning) đã phát triển nhanh chóng trên thế giới trong hơn 4 thập kỷ qua mang lại nhiều thay đổi lớn cho GDĐH.
Vì vậy, mỗi giảng viên phải nhanh chóng tìm hiểu phương pháp dạy và học E-learning, đăng ký tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ và khả năng sử dụng các thiết bị điện tử (computer, laptop, smartphone), trong đó có tự học và nâng cao năng lực đánh giá chất lượng học tập của sinh viên, các sự cố liên quan đến an ninh mạng và sở hữu trí tuệ. Về phía nhà trường cần nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đường truyền băng thông rộng, kết nối không dây nhanh, truyền tải hình ảnh, âm thanh tốt.