Thị trường làm đẹp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong đời sống, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Công việc hấp dẫn
Trong những năm trở lại đây, thành phố lớn là nơi tập trung các nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ làm đẹp, với sự ra đời của hàng loạt trung tâm thẩm mỹ, spa… Thị trường này trở nên sống động và cạnh tranh tranh khốc liệt. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 spa, thẩm mỹ viện được mở ra để cung cấp các dịch vụ làm đẹp, giải pháp phục hồi, chăm sóc sức khỏe. Từ đó, tạo doanh thu và thu hút nhân lực. Hiện có khoảng 2 triệu người làm việc trong lĩnh vực này. Trong đó, nhiều nghề có mức thu nhập bình quân khá cao, như xăm thẩm mỹ từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Đối với những người thợ có uy tín và tay nghề cao, mức thu nhập có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng...
Số lượng các cơ sở làm đẹp tăng nhanh, tuy nhiên nhiều cơ sở ra đời và hoạt động còn sai quy định, thiếu sự quản lý về chất lượng. Nhân lực trong ngành làm đẹp chủ yếu học nghề theo hình thức, vừa học vừa làm. Đây là những bất cập trong phát triển ngành làm đẹp nói chung và cũng là những băn khoăn, lo lắng của người có nhu cầu làm đẹp nói riêng.
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam - Phụ trách Hội Đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam cho biết: Ngành làm đẹp Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh và bền vững, khi công nghệ, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn là mục tiêu làm đẹp an toàn và khỏe mạnh.
Bất cập cơ sở đào tạo “chui”
Để tìm được một cơ sở đào tạo uy tín, bài bản, chất lượng cùng với bằng cấp chính quy đang là vấn đề nan giải. Bà Đỗ Thị Diệu Hoa, Chuyên gia trưởng quốc gia nghề Chăm sóc sắc đẹp cho biết: Các bạn trẻ đang bị bủa vây giữa muôn trùng các trung tâm đào tạo, thẩm mỹ viện, spa… Hiện nay, một số cơ sở đào tạo không có sự cho phép của cơ quan chức năng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực trạng kinh khủng nhất là các chủ spa đang làm công việc thay cho bác sĩ thẩm mỹ mà chưa được đào tạo chính quy, chưa qua bất kỳ một trường lớp nào.
Bên cạnh đó, nhu cầu về bằng cấp để có thể kiếm nhanh việc làm và thu nhập dẫn đến việc đăng ký học vô tội vạ, không khoa học. Hình thức đào tạo hời hợt, để thu học phí hoặc vừa đào tạo vừa sử dụng để có nguồn nhân lực miễn phí. Chính vì vậy, chất lượng đầu ra hầu như không có, những tấm bằng không phản ánh được thực lực của người học…
Trước những bất cập nêu trên, bà Diệu Hoa cho rằng: Các cơ quan chức năng, cùng hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp cụ thể trong việc xử phạt các cơ sở không có giấy phép hoạt động; Công bố các trường, trung tâm đào tạo nghề làm đẹp đạt chuẩn, để người học có sự lựa chọn đúng đắn và an toàn.
Hoạt động đào tạo ngành làm đẹp cần được chuyển đổi phương thức dạy theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Rà soát tổng thể đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo thông qua bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học… Bảo đảm 100% nhà giáo ngành làm đẹp đạt chuẩn nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Cụ thể hóa cơ chế chính sách gắn kết, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.