Đang học đã có việc
Bùi Văn Nhất, sinh viên khóa 11A nghề công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Trường Giao thông Vận tải Trung ương II chia sẻ: Em chọn học nghề này bởi sự phù hợp của công việc đối với cá nhân và điều kiện thực tế của gia đình. Tại địa phương, không chỉ với nghề chế tạo vỏ tàu thủy mà còn có rất nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động kỹ thuật liên quan đến ngành này. Về việc làm sau tốt nghiệp, các doanh nghiệp sẽ đến tuyển dụng tại trường vào thời điểm bế giảng, bản thân em, hiện đã có doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng về làm việc ngay.
Về quá trình học nghề, Bùi Văn Nhất cho biết: Học ngành chế tạo vỏ tàu thủy em được đào tạo xen kẽ giữa lý thuyết trên lớp và thực hành ngay tại hiện trường. Qua đào tạo, người học có được những kiến thức về các thông số cơ bản thể hiện hình dáng và các kết cấu tàu thuỷ; Phân tích được các yêu cầu cơ bản của các thiết bị trên tàu thuỷ: Thiết bị lái, thiết bị neo, thiết bị chằng buộc, thiết bị cứu sinh, thiết bị lai dắt.
Các tiêu chuẩn lắp ráp, các quy trình tổng quát của công nghệ đóng tàu, bao gồm các công đoạn tuần tự nối tiếp nhau từ khi bắt đầu thiết kế cho đến khi hạ thủy. Nắm bắt và thực hành quy trình gia công chế tạo bệ khuôn, gia công tôn vỏ, gia công lắp ráp chi tiết kết cấu thân tàu, quy trình lắp ráp phân đoạn, tổng đoạn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật…
Chương trình đào tạo giúp em nhanh chóng nắm bắt được lý thuyết cơ bản và những kỹ năng quan trọng của nghề. Đây là năm học cuối, em đã được thực hành khá đầy đủ các công đoạn để gia công, lắp ráp vỏ tàu, các tư thế hàn, giải pháp kiểm tra kỹ thuật và các vấn đề liên quan khác.
Dạy và học ngay trên sản phẩm đặt hàng
Thực hành ngay trên sản phẩm vỏ tàu của doanh nghiệp đặt hàng |
Giới thiệu sản phẩm vỏ tàu hàng của Khoa Công nghệ chế tạo tàu thủy của nhà trường nhận đặt hàng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng Khoa Công nghệ chế tạo Vỏ tàu thủy - Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương II cho biết, đây là sản phẩm do giáo viên và học sinh, sinh viên Khoa Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy thực hiện thi công đóng mới tại xưởng của trường.
Tất cả các hạng mục trên tàu đều do thầy, trò nhà trường làm ra, công việc được gắn liền với chương trình đào tạo, thầy và trò cùng dạy và học ngay trên chiếc tàu này. Sản phẩm thực tế này đã tạo cơ hội cho các sinh viên sử dụng, thực hành với hầu hết các trang thiết bị tương đối hiện đại có trong nhà máy đóng tàu. Liên tục trong quá trình đào tạo cả hệ trung cấp, cao đẳng sinh viên đều được thực tập để có được trình độ tay nghề cơ bản vững chắc, đủ khả năng thực hiện sản phẩm trực tiếp cho khách hàng.
Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy là một trong 6 ngành trọng điểm cấp quốc tế đào tạo theo chương trình của Đức chuyển giao, quy trình đào tạo của nhà trường được phân chia theo các học kỳ, trong học kỳ đầu tiên, sinh viên được đào tạo các môn cơ bản, cơ sở. Tuy nhiên, không chỉ được đào tạo lý thuyết, mà các em đã thực hành ngay từ giai đoạn này. Tỉ lệ thời gian lý thuyết/thực hành: 30/70, các bài thực hành được chọn lọc từ thực tế sản xuất, sinh viên được thực tập trực tiếp trên các sản phẩm tàu thật.
Về cơ hội việc làm, ông Tiến khẳng định, tại Hải Phòng, các doanh nghiệp, công ty liên doanh trong lĩnh vực tàu thủy đang rất cần nhiều nhân lực kỹ thuật cao. Mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp, nhiều công ty đã đến tuyển dụng ngay. Trong quá trình đào tạo và thực tập, các doanh nghiệp cũng đã đặt vấn đề tuyển dụng. Có doanh nghiệp còn đưa sinh viên đến tham quan trực tiếp xưởng đóng tàu để giúp các em trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường nghề công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy thường từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu
Sau cuộc khủng hoảng từ năm 2010, các cơ sở đóng tàu của Nhà nước, liên doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đã có những hướng đi năng động để phục hồi và phát triển ngành sản xuất quan trọng này. Trong ngành công nghiệp quốc phòng, hệ thống các nhà máy đã được trang bị hiện đại để đóng được những con tàu đặc chủng có giá trị kinh tế, kỹ thuật cao. Ở ngành thủy sản, Nghị định 67CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ra đời nhiều tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, mở ra rất nhiều hợp đồng đóng mới, sửa chữa tàu biển. Trong khi đó, các doanh nghiệp liên doanh phát triển đóng tàu xuất khẩu theo đơn hàng nước ngoài…
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ về công nghiệp ven biển dựa trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu…
Như vậy, có thể nhận thấy khả năng trước mắt cũng như tầm nhìn dài hạn về tương lai phát triển, kéo theo nhu cầu nhân lực trong ngành đóng tàu. Qua đây, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ vùng ven biển có thể định hướng nghề nghiệp tương lai cho bản thân một cách rõ ràng hơn.