Chương trình sẽ tuyển 1.056 sinh viên, tổ chức thành 66 lớp tại 45 trường cao đẳng nghề chất lượng cao cho 22 nghề. Các địa phương trong cả nước hoặc một số tỉnh, thành phố theo vùng tuyển sinh của trường được lựa chọn đào tạo thí điểm. Hình thức tuyển sinh:Xét tuyển hoặc thi tuyển.
Yêu cầu sinh viên dự tuyển phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định chung đối với người tham gia học nghề trình độ cao đẳng như độ tuổi; sức khoẻ; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, có hạnh kiểm từ khá trở lên, ưu tiên lựa chọn những học sinh có kết quả học tập của năm lớp 12 trung học phổ thông có kết quả học tập từ khá trở lên; Ưu tiên những sinh viên có trình độ ngoại ngữ, sinh viên thuộc diện chính sách.
Trong quá trình học chuyên môn nghề sinh viên học ngoại ngữ (tiếng Đức hoặc tiếng Anh) để đến khi kết thúc khóa phải đạt được trình độ tối thiểu B1 theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu hoặc tương đương.
Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng của 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã được phê duyệt theo Quyết định số 926/LĐTBXH ngày 18/7/2018, mỗi nghề được thiết kế gồm 2 phần: các môn học chung theo quy định của Việt Nam và phần chuyên môn là bộ chương trình được chuyển giao từ Đức. Thời gian khóa học: từ 3 đến 3,5 năm, tùy theo từng nghề.
Hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra, đạt yêu cầu sẽ được cấp 2 bằng gồm: bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp và bằng tốt nghiệp của Đức, tương đương với trình độ Bậc 4 theo Khung trình độ Quốc gia Đức.
Các nghề cụ thể theo chương trình đào tạo bao gồm: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí; Chế biến và bảo quản thuỷ sản; Chế tạo thiết bị cơ khí; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ; Cắt gọt kim loại; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Hàn; Khai thác máy tàu thủy; Kỹ thuật chế biến món ăn; Lắp đặt thiết bị cơ khí; Quản trị khách sạn; Quản trị lễ tân;… Người học đóng học phí theo quy định hiện hành.