Áp dụng đào tạo nghề xanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Tiếp cận các phương thức dạy và học trực tuyến và áp dụng mô-đun đào tạo nghề Xanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây là nội dung cơ bản của lớp tập huấn giáo viên giáo dục nghề nghiệp mới đây tại Hưng Yên

Lớp tập huấn giúp giáo viên nâng cao hiện quả giảng dạy trực tuyến và hỗn hợp
Lớp tập huấn giúp giáo viên nâng cao hiện quả giảng dạy trực tuyến và hỗn hợp

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia về Công nghệ thông tin và Sư phạm kỹ thuật - trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, vừa qua 18 thầy cô giáo đến từ 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã cùng trải nghiệm các hệ thống quản lý học trực tuyến và các ứng dụng CNTT trong việc giảng dạy mô-đun xanh cơ bản “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tài nguyên hiệu quả”.

Trên nền tảng Google Classroom và Moodle, các thầy cô đã được tập huấn những phương thức tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến. Những cấu trúc mô-đun xanh phiên bản trực tuyến được xây dựng rất phong phú, phản ánh kinh nghiệm giảng dạy đa dạng, đi kèm với các hoạt động dạy học sáng tạo, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng thử nghiệm thêm một số ứng dụng CNTT như Openshot, Wix và Kahoot để nâng cao chất lượng bài học và trải nghiệm của người học với mô-đun xanh.

Xuyên suốt Chương trình tập huấn, các thầy cô được củng cố thêm về các phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm trong môi trường học tập trực tuyến và hỗn hợp.

Được sự phê duyệt của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mô-đun cơ bản về “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tài nguyên hiệu quả” đã được giới thiệu với mục đích áp dụng thí điểm tới hơn 30 cơ sở GDNN trên toàn quốc từ năm 2019.

Được xây dựng bởi tập thể giáo viên trường Cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (VCMI) với sự hỗ trợ của chuyên gia Đức, mô-đun bao gồm 36 giờ dạy và học nhằm cung cấp cho học sinh sinh viên GDNN những kỹ năng xanh cơ bản nhất mà người lao động cần có trong bối cảnh nền kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững hơn.

Mô-đun đặc biệt chú trọng tới các hoạt động thực tế và trải nghiệm của người học, và có thể được áp dụng toàn bộ, hoặc tích hợp từng phần vào các môn học khác nhau. Toàn bộ tài liệu dạy và học được cung cấp sẵn, với thiết kế thân thiện, dễ sử dụng cho cả thầy và trò.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động GDNN, đặt ra yêu cầu phải tiếp cận các phương thức dạy và học trực tuyến và hỗn hợp để đảm bảo việc tiếp tục nhân rộng và áp dụng mô-đun Xanh cơ bản tại các cơ sở GDNN.

“Đợt tập huấn này thật sự là hữu ích để chúng tôi nâng cao kỹ năng và chia sẻ kinh khiệm triển khai phương pháp giảng dạy trực tuyến và hỗn hợp. Kết quả tập huấn không chỉ giúp chúng tôi ứng phó tốt hơn trong bối cảnh dịch Covid-19, mà chắc chắn còn có lợi ích lâu dài trong tương lai”, thầy Nguyễn Minh Trung, giáo viên trường Cao đẳng nghề Long An nhận xét.

Hoạt động do Chương trình Hợp tác Việt-Đức “Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam” thực hiện. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), đồng thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MoLISA).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.