Nhậu xong vẫn điều khiển phương tiện ra đường: Hàng nghìn lái xe nhận 'án' phạt nặng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau 1 tháng cao điểm (từ 20/6 - 20/7) lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT - TT) Công an TP Hà Nội đã xử lý 27.921 trường hợp lái xe vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe.

Trong đó, 1.616 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đó là những con số được Công an TP Hà Nội thông tin tại Hội nghị chức sơ kết 1 tháng triển khai, thực hiện Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT của Bộ Công an và Cục CSGT.

Đón lõng bắt “ma men”

Ghi nhận của PV cùng các tổ công tác Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) chỉ trong vài giờ đồng hồ trưa ngày 28/7 lực lượng chức năng đã xử lý hàng loạt trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung.

Đơn cử, với tổ công tác Đội CSGT số 1, ngoài việc lập chốt trên các tuyến đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải… tổ công tác còn tổ chức tuần tra đón lõng bắt “ma men” nhậu “xỉn” trên phố cổ. Chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, từ 13 giờ cùng ngày (28/7) tổ công tác do Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải, làm tổ trưởng kiểm tra gần 20 trường hợp, trong đó có nhiều lái xe buýt, lái xe taxi, lái xe tải.

Đáng chú ý, có trường hợp anh L.Q.P (SN: 1987 ở Hà Nội) điều khiển xe máy biển kiểm soát 29K1-582.xx khi dừng xe trên đường Trần Nhật Duật. Kết quả đo nồng độ anh L.Q.P đạt vượt mức vi phạm kịch khung là 0,416 miligram/lít khí thở. Với mức vi phạm trên, anh P bị xử phạt 4,5 triệu, đồng thời tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Tương tự, trước đó khi phát hiện xe ô tô Toyota Vios biển kiểm soát 30E–276.xx lưu thông trên phố Trần Nhật Duật hướng Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có biểu hiện nghi vấn đã tiến hành dừng xe kiểm tra.

Khi tiến hành đo nồng độ cồn, lái xe T (SN: 1976 ở Hà Nội) đạt mức 0,408 miligram/lít khí thở vượt mức vi phạm kịch khung. Lái xe T phân trần, do chở bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra chơi nên quá chén, không kiểm soát. Với mức vi phạm trên, lái xe T đã bị lập biên bản xử phạt 35 triệu đồng theo Nghị định số 100 của Chính phủ. Đồng thời tạm giữ phương tiện 7 ngày và giấy phép lái xe 2 năm.

Thông tin với báo chí, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, việc kết hợp cắm chốt và tuần lưu chủ động phát hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã góp phần kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

Kết quả này đã được Bộ Công an ghi nhận và đánh giá khi trong vòng hơn 1 tháng qua (từ 20/6//2022 đến nay) trên địa bàn Hà Nội không xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến lái xe sử dụng nồng độ cồn và chất kích thích.

Phạt thành tiền 7,2 tỉ đồng

“Công an TP Hà Nội quán triệt thực hiện thường xuyên, liên tục kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xem đó là giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông...”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh.

Thống kê của Công an TP Hà Nội, sau 1 tháng triển khai cao điểm (từ 20/6 - 20/7/2022) kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT của Bộ Công an và Cục CSGT, thành phố đã xử lý 27.921 trường hợp lái xe vi phạm.

Trong đó, 1.616 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 7,1 tỉ đồng; 604 trường hợp vi phạm về tốc độ; 286 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực đường thủy nội địa và 1.106 trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải, tự ý cơi nới thành thùng xe.

Trong 1 tháng triển khai cao điểm, toàn thành phố Hà Nội xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông làm 35 người chết, 49 người bị thương. Đáng chú ý, trong số các vụ tai nạn giao thông kể trên, không có vụ nào nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tốc độ.

Tại Hội nghị, Thượng tá Phạm Việt Công - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định, kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm giao được đánh giá là nỗ lực của toàn ngành Công an trong việc kiềm chế tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua đó, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người tham gia giao thông.

“Các đồng chí phải coi Kế hoạch là “chiến dịch dài hơi”, không phải chỉ có cao điểm mới làm và nhất là phải tăng cường tuần tra kiểm soát ban đêm. Vất vả và có thể hy sinh, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người dân, không để vi phạm lắng xuống khi cao điểm, rồi lại bùng lên khi kết thúc cao điểm…”, Thượng tá Phạm Việt Công lưu ý.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phân tích thêm, mỗi ngày trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra 2 - 3 vụ tai nạn giao thông. Nếu chỉ làm tốt công tác hướng dẫn, phân luồng thôi chưa đủ, mà còn phải điều tra cơ bản những tuyến, trục đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để có biện pháp xử lý.

“Công tác nghiệp vụ cơ bản là rất quan trọng, vì vậy, Phòng Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên đánh giá lại công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, có ngay những phương án phù hợp với đặc thù từng khu vực, tuyến để hoàn thành tốt nhiệm vụ...”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đề nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky yêu cầu Phòng CSGT thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong Công an thành phố, không để tình trạng có đơn vị còn lơ là, triển khai chưa hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ