Nhà báo trẻ kể chuyện Trường Sa

GD&TĐ - Trường Sa là kỉ niệm không thể quên đối với nhiều nhà báo. Đó có thể là chuyến công tác vất vả, nôn nao nhất nhưng là niềm tự hào lớn trong đời làm nghề.

Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây – huyện đảo Trường Sa.
Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây – huyện đảo Trường Sa.

Hành trình hàng trăm hải lý đầy gian khó nhưng nếu được chọn, họ vẫn háo hức để thêm một lần được đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc!

Ngày hội toàn dân ở huyện đảo

Nhà báo Phan Hà Linh (sinh năm 1987) công tác tại báo Nhân dân. Tháng 4/2012, kết thúc chương trình học tập ở Cuba, anh trở về Việt Nam. Vốn tính thích “xê dịch”, làm quen với những người bạn mới, cộng thêm vốn tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh trong những năm ngồi ghế giảng đường, anh quyết định “đầu quân” cho các công ty du lịch.

Thời gian sau, anh nhận ra, cung đường mới bên những du khách nước ngoài vẫn chưa thỏa mãn đam mê. Trong lúc đang loay hoay suy nghĩ, anh bất ngờ gặp lại một người bạn cũ là nhà báo, từng cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ báo chí sinh viên khi còn ở Cuba. Người bạn đó bảo anh thử sức với nghề báo. Thế rồi, Phan Hà Linh thi tuyển vào báo Nhân dân.

Anh chia sẻ, quãng thời gian học việc ở báo Nhân dân không hề đơn giản với một người trẻ như anh. Trong nhiều tháng liên tiếp, ngày nào anh cũng đọc kỹ hàng chục tờ báo in hằng ngày để học hỏi văn phong đặc trưng.

Đồng thời, anh cũng xin các trang bản thảo cũ của đồng nghiệp đi trước, so sánh với những tin bài được xuất bản để trau dồi cách viết. Hằng tuần, anh đều đi theo đồng nghiệp để tăng cường thực hành, tiếp cận vấn đề thực tế.

Dù đã đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như nhiều địa phương trong nước, anh vẫn khao khát được một lần trở lại huyện đảo Trường Sa.

Ngồi trên boong tàu Trường Sa 571 đồ sộ như núi đá, nhà báo Phan Linh thấy choáng ngợp. Choáng ngợp vì bức tranh Trường Sa mà anh mường tượng qua những bài viết hay lời kể không đơn thuần là những gam đỏ của nắng, ánh nâu của đất quyện giữa sắc xanh Biển Đông...

Trường Sa không chỉ hiên ngang, anh dũng với những câu chuyện đã trở thành bất tử. Nơi đây còn là một bức tranh rực rỡ sắc màu, với những nét chủ đạo chấm phá bởi bàn tay và khối óc của những cán bộ, chiến sĩ và người dân kiên cường bám biển, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

“Chuyến đi thăm Trường Sa của tôi rất đặc biệt. Bởi khi đó, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và hệ thống nhà giàn DK1 đang nô nức chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm đại biểu Quốc hội khóa XIV, và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đây là một đề tài hay và có ý nghĩa rất sâu sắc, nhưng rõ ràng không hề dễ đối với một phóng viên trẻ mới vào nghề như tôi ở thời điểm đó. Nhất là khi “sự kiện” lại diễn ra ở một địa điểm quá đặc biệt. Thời gian tiếp cận các nhân vật cần thiết rất eo hẹp và hoàn toàn không có cách nào sắp xếp trước”, nhà báo Phan Linh chia sẻ.

Nhà báo Phan Hà Linh chụp cùng Anh hùng Lao động, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn trong chuyến công tác tại Cao Bằng. Ảnh NVCC
Nhà báo Phan Hà Linh chụp cùng Anh hùng Lao động, nhà giáo Nguyễn Đức Thìn trong chuyến công tác tại Cao Bằng. Ảnh NVCC

Phan Linh cho biết thêm, điều kiện vật chất trên các điểm đảo không giống như trong đất liền. Ở nhiều nơi, cán bộ, chiến sĩ phải cố gắng “dành dụm” những mảnh gỗ đẹp nhất, cẩn thận đóng thành các khoang, buồng kín rồi sơn phết thật đẹp để người dân, đơn vị bỏ phiếu.

Công tác bỏ phiếu tại hầu hết các điểm đảo của huyện Trường Sa thường được triển khai sớm khoảng một tuần. Trước ngày bầu cử, các tàu kiểm ngư sẽ vận chuyện hòm phiếu, thẻ cử tri cùng vật dụng trang trí khánh tiết đến các đảo, điểm đảo. Đây chính là khoảng thời gian Trường Sa trở nên nô nức, rộn ràng và thắm thiết tình quân dân.

Khắp xóm trên, ngõ dưới, cán bộ, chiến sĩ cùng người dân hân hoan cùng chuẩn bị cho ngày hội lớn. Từ việc trang trí khánh tiết, dựng bảng danh sách người ứng cử cho tới khâu bảo đảm an ninh, y tế phục vụ ngày bầu cử... đều được tiến hành nhanh chóng trong không khí đầm ấm như một đại gia đình.

Vào đúng ngày kỷ niệm non sông liền một dải 30/4, Phan Linh được rảo bước trên con đường quanh co ở đảo Trường Sa Lớn. Anh được nghe âm thanh từ các lớp học, được tận mắt chứng kiến sắc cờ hoa rực rỡ chuẩn bị đón “Ngày hội toàn dân”... là những trải nghiệm hiếm có và chắc chắn không thể quên.

“Và đến tận bây giờ, chỉ cần khẽ nhắm mắt, tôi cũng có thể cảm nhận được tiếng sóng vỗ rì rào và hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ với quân phục trắng nổi bật trong đêm tối. Họ cùng đứng trên âu tàu vừa vỗ tay vừa hát vang những khúc quân hành, tiễn đoàn công tác của chúng tôi rời đảo.

Hai bên quyến luyến mãi tới hơn 15 phút vẫn không nỡ rời. Tiếng còi tàu 571 bỗng cất lên, cả hai bên bỗng nhận ra giờ chia tay. Trong đoàn, nhiều giọt nước mắt đã rơi: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi...” – nhà báo Phan Linh chia sẻ.

Đến Trường Sa là một may mắn!

Nhà báo Xuân Tùng trong hành trình đến với Trường Sa. Ảnh: NVCC
Nhà báo Xuân Tùng trong hành trình đến với Trường Sa. Ảnh: NVCC

Mai Xuân Tùng không học chuyên ngành báo chí, nhưng yêu thích viết lách từ ngày còn là sinh viên năm thứ 2. Học hỏi, tìm tòi rồi đọc, hiểu, ngấm dần vào “máu”, cái tên của anh đã trở lên quen thuộc với anh em báo chí mảng công tác Đoàn. Về công tác tại báo Tiền phong cũng đã gần chục năm, anh chưa một lần hối hận với quyết định của mình.

Anh cũng có nhiều dấu ấn với những chuyến công tác, nhưng may mắn hơn so với đồng nghiệp chính là được đến Trường Sa ba lần.

Nhà báo Xuân Tùng nhớ lại lần được chọn tham gia “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức.

Anh kể lại chuyến đi với niềm xúc động: “Tôi đã đến với Trường Sa và nhà giàn DK1 thân yêu của Tổ quốc cùng với thành viên khác trong hành trình. Những ngày đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió, cảm nhận sâu hơn về gian khó và hy sinh của những người lính.

Họ như tiếp thêm sự kiên cường, lạc quan, tình cảm từ những người lính đảo cho chúng tôi học tập. Họ luôn hướng về đất mẹ bằng tình yêu và sự quả cảm, tỉnh táo.

Chúng tôi đã cảm nhận rõ điều này khi ra Trường Sa trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển của Tổ quốc. Từ đó, mỗi người đều có thêm niềm trăn trở và đổi thay mình để trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn”.

Đến với Trường Sa trong những ngày “nước sôi lửa bỏng”, chưa bao giờ nhà báo Xuân Tùng thấy bài Quốc ca được cất lên trang trọng và xúc động đến như thế. Lời bài hát cũng thôi thúc chiến sĩ hải quân vững vàng hơn để giữ vững từng tấc đất và chủ quyền của dân tộc.

Ba lần được ra Trường Sa, chuyến đi nào cũng gian khó nhưng nếu được chọn, Xuân Tùng khẳng định, anh sẽ lại đi tiếp. Bởi mỗi lần đến với mảnh đất này là một cảm xúc khác nhau.

Lớp học trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh tư liệu
Lớp học trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh tư liệu  

Kỉ niệm khi đến Trường Sa Lớn với nhà báo Xuân Tùng là cô bé Thái Bình Hải Thùy - công dân nhỏ tuổi nhất đảo vừa tròn 5 tháng tuổi nằm trọn trong vòng tay mẹ - chị Nguyễn Bình Phương Ái.

Hải Thùy là bé thứ hai chào đời bằng phương pháp đẻ mổ trực tuyến kết nối giữa Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn và Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM).

Trực tiếp mổ là 9 y, bác sỹ Bệnh viện 175 do Đại tá, Tiến sĩ Trần Lê Đồng - Phó Giám đốc Bệnh viện 175 làm trưởng đoàn được máy bay đưa tới đảo Trường Sa Lớn.

Nơi đất liền, qua hệ thống truyền hình trực tiếp, ca mổ có sự theo dõi chỉ đạo của Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175... Đặc biệt, chị Ái được “gặp”, nghe lời động viên của mẹ - bà Nguyễn Thị Như Mai. Còn bà Mai được thấy cháu ngoại mình từ cách xa nghìn trùng sóng nước.

Cô bé sinh ra, khỏe mạnh lớn lên từng ngày là “điều kỳ diệu” không chỉ riêng gia đình chị Ái mà còn của cả Trường Sa và đất liền. Cùng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn, bé Hải Thùy luôn nhận được sự quan tâm, đùm bọc từ đồng bào đất liền qua những chuyến tàu ra thăm…

Anh cũng cho biết thêm, ngày nay, cuộc sống của các chiến sĩ ngoài đảo được quan tâm nhiều nên không còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vất vả nhất có lẽ là khoảng cách địa lý cách biệt với đất liền khiến họ bị hạn chế về thông tin, lại xa nhà.

Có anh chiến sĩ vợ sinh con mà chẳng được nhìn thấy con lúc chào đời. Hay nhiều anh, bố mẹ mất cũng không về kịp. Rồi câu chuyện của người bố về thăm nhà, con lạ cha không nhận vì xa nhau lâu quá, con nhỏ không nhớ mặt…

Mỗi câu chuyện đều đem lại những tình cảm nồng ấm, nhân hậu hiếm gặp. Giữa muôn trùng khơi, tiếng sóng đập vào ghềnh đá ồn ào nhưng khiến con người bình yên đến lạ.

“Biển rộng mênh mông, con người nhỏ bé nhưng hình ảnh các anh tay cầm súng, mắt không ngừng quan sát để bảo vệ từng tấc đất, giữ vững chủ quyền quốc gia lại thấy khâm phục và xúc động” – nhà báo Xuân Tùng chia sẻ.

Nhà báo Phan Hà Linh từng đạt giải Ba Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020; Giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Hành trình Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020; Bằng khen của Hội đồng Đội T.Ư năm 2020 vì thành tích tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX; Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội vì những thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.
Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.