Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng tại Hà Nội

GD&TĐ - Từ ngày 25-9 đến ngày 1-10, thành phố Hà Nội ghi nhận 80 trường hợp mắc tay chân miệng. Tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay toàn TP có 450 ca mắc bệnh. Do vậy ngày 6-10, Sở Y tế Hà Nội tổ chức phát động chiến dịch Vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng.

Học sinh Trường Mầm non Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) thực hành vệ sinh bàn tay phòng bệnh tay chân miệng.
Học sinh Trường Mầm non Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) thực hành vệ sinh bàn tay phòng bệnh tay chân miệng.

Cả nước hiện có hơn 63 nghìn ca mắc, gần 30 nghìn ca phải nhập viện do tay chân miệng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016. Đây là điều đáng lo ngại về sự bùng phát của dịch nếu không thực hiện tốt việc phòng chống dịch.

Tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da, do nhiễm vi rút thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng.

Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước hay phân của người nhiễm vi rút. Vì vậy, bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết xu hướng tiếp tục giảm trong tuần qua, nhưng số ca mắc bệnh tay chân miệng lại có xu hướng gia tăng trong hai tuần gần đây, nhất là tại các nhà trẻ mẫu giáo.

Do vậy, Sở Y tế đã yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng tại các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới năm tuổi. Việc làm này, được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); vệ sinh ăn uống, vật dụng như: cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi… Khi trẻ mắc bệnh phải tổ chức cách ly, điều trị kịp thời.

Ngay sau buổi phát động, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng cho tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, kể cả các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.

Theo NDĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ