Trong đó lưu ý các cơ sở giáo dục, đặc biệt các trường mầm non (kể cả nhóm trẻ gia đình) phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế trong việc phòng, chống dịch tay chân miệng.
Đặc biệt, cần thực hiện theo dõi, giám sát sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên tại trường học để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh.
Khuyến cáo cha mẹ học sinh khi trẻ mắc bệnh phải thông báo với nhà trường. Tất cả các trường hợp mắc tay chân miệng hoặc nghi ngờ (sốt, xuất hiện ban, nốt phỏng ở tay chân miệng...) phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Thực hiện việc cách ly và chăm sóc y tế theo đúng hướng dẫn.
Triển khai các biện pháp xử lý môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng như vệ sinh lớp học bằng xà phòng hoặc cloraminB theo hướng dẫn của ngành Y tế...
Các phòng GD&ĐT phải phối hợp kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết tại các trường, các cơ sở giáo dục trực thuộc.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng tháng 3-5 và tháng 9-10
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.