Ngăn ngừa bùng phát bệnh tay chân miệng ở trẻ em mùa tựu trường

GD&TĐ - Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và cả người lớn. Thời tiết giao mùa là khoảng thời gian bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Vệ sinh cá nhân là một trong những cách phòng ngừa tốt nhất bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)
Vệ sinh cá nhân là một trong những cách phòng ngừa tốt nhất bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Th.BS. Nguyễn Văn Tùng - Khoa Nhi (Bệnh viện TƯQĐ 108) chia sẻ cách phòng và điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng để góp phần giúp các em học sinh có một mùa tựu trường trọn vẹn niềm vui.

Nhận diện bệnh tay chân miệng

Bệnh tay, chân và miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV 71.

Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12.

Đây là một bệnh dễ lây lan từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.

Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Sốt thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Đầu tiên virus thường cư trú ở niêm mạc má hay niêm mạc hồi tràng và sau 24 giờ, virus lan đến các hạch bạch huyết vùng. Vào ngày thứ 7 sau khi nhiễm bệnh, kháng thể trung hòa tăng cao và virus bị thải loại.

Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh. Nhiễm bệnh có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái diễn do một chủng virus khác gây nên.

Biểu hiện lâm sàng và biến chứng

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh tay - chân - miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng nốt phỏng nước trên da và loét niêm mạc miệng.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật…

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.

Cách “đối phó” khi mắc bệnh tay chân miệng

Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

- Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,50C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).

- Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit).

- Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm…

- Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee…) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

- Khi có triệu chứng não – màng não: cần dùng thuốc chống co giật: phenobarbital. Chuyển lên tuyến trên điều trị chuyên sâu.

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng
Những biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng 

Cách phòng bệnh tay chân miệng

Th.BS. Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.

-Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.

- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.

- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.

- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.

Khuyến cáo của Bộ Y tế:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. – (Theo VOV).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.