Người truyền lửa cho bóng đá “phủi”

GD&TĐ - Bằng chất giọng miền Bắc pha lẫn chút giọng Quảng Trị, cùng phong cách bình luận ấn tượng, Bạch Long là cái tên được biết đến với tư cách một bình luận viên của nhiều giải bóng đá “phủi” hàng đầu ở đất Sài thành. 

Người truyền lửa cho bóng đá “phủi”

Anh đã tạo dựng tên tuổi bằng cách truyền “lửa” nhiệt thành từ trái tim đến với khán giả, làm cho những trận cầu thêm gay cấn, hấp dẫn.

Bạch Long là nghệ danh của Nguyễn Thành Nhân, sinh năm 1988, người con của vùng đất lửa Quảng Trị, cựu sinh viên Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM).

Con đường đến với đam mê…

Bạch Long cho biết, anh đến với môn thể thao vua lúc lên 7 tuổi. Người đầu tiên truyền tình yêu bóng đá cho Long chính là ba, một cổ động viên cuồng nhiệt của Đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Trước, trong và sau mỗi trận đấu, hai cha con thường bình luận sôi nổi, hào hứng, rồi không hiểu tự lúc nào, Long “nghiện” luôn bóng đá.

Những năm ấy mới chỉ 9 – 10 tuổi, nghe bình luận viên (BLV) Quang Huy tường thuật trên VTV3 vào những năm 1998 - 1999 thì Long mê luôn nghề bình luận.

Bắt chước BLV nổi tiếng này, mỗi khi chơi game bóng đá với bạn bè, trong lúc các bạn tập trung chơi thì Long nghêu ngao bình luận theo từng đường bóng trên màn hình.

Riết thành thói quen, người bình quen miệng mà người nghe càng quen tai, đến nỗi bạn bè gọi “Nhân khùng”, nhưng đi chơi game bóng đá mà thiếu ông bạn “khùng” ấy lại mất vui.

Rồi những giải đấu phong trào ở trường, ở địa phương, thay vì tham gia vào đội bóng, cậu lại được phân công nhiệm vụ BLV, khiến nhiều người không biết, tưởng Ban tổ chức “chơi sang”, thuê hẳn BLV chuyên nghiệp.

Năm học lớp 9, khi tình yêu với bình luận bóng đá ăn sâu vào nhịp đập trái tim, Long bắt đầu chú tâm tìm hiểu kỹ hơn về nghề BLV. “Tôi bắt đầu tìm hiểu, tập luyện về giọng nói, thường xuyên đọc sách báo để tích lũy kiến thức hay xem các chương trình thể thao trên tivi để học tập các ngôn ngữ bình luận, các từ, các câu mà BLV trên truyền hình nói.

Chừng sau một năm luyện như vậy, từ giọng Quảng Trị, tôi đã phát âm được giọng Hà Nội, nắm bắt được ngữ điệu và phong cách bình luận mà các BLV hay sử dụng, nhất là của anh Quang Huy”, Long tự hào khoe.

Xuất phát từ sở thích và sự nghịch ngợm của học trò, dần dần Long trở nên nghiêm túc với ước mơ của mình. Năm 2006, cậu quyết định thử sức tại Cuộc thi tìm kiếm BLV do VTV3 tổ chức.

Đây là đợt thi đầu tiên cùng lứa với Tạ Biên Cương, Việt Khuê, Tiểu Huyền... Đợt thi này diễn ra đúng dịp Long chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cậu xác định đi thi để trải nghiệm là chính. Sau lần đó, Long chú trọng vào việc học và thi đỗ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM), chuyên ngành Điện tử Viễn thông.

Dẫu ngành học không liên quan gì tới nghề BLV, nhưng không vì thế mà đam mê bị dẹp bỏ. Vừa mày mò tự học hỏi, Long cũng đăng ký theo học các khóa đào tạo ngắn hạn, các CLB, tham gia những giải đấu phong trào trong vai trò BLV không chuyên.

Cũng trong thời gian này, Long nghiêm túc hơn trong việc thử sức mình, với việc đăng ký tham gia vào các cuộc thi như: Tìm kiếm gương mặt BLV trẻ do Webthethao và VTC tổ chức (năm 2008), Người truyền lửa Season 1 (năm 2012), Người truyền lửa Season 2 (năm 2014) do Truyền hình số vệ tinh K+ tổ chức…, được Ban tổ chức đánh giá cao với nhiều ấn tượng đặc biệt với phong cách bình luận riêng biệt.

Nhiều thành viên trong Ban tổ chức các cuộc thi, đặc biệt là nhà báo Hà Quang Minh khuyên anh nên khai thác thế mạnh của mình ở các giải bóng đá phong trào, khác hẳn với mơ ước theo bước Quang Huy, Long Vũ… Tuy vậy, cũng nhờ đó mà cậu nhận ra được hướng đi của mình.

Truyền “lửa” cho những trận cầu

Một lần, tình cờ Bạch Long đọc được mẫu thông báo tuyển dụng BLV cho một giải đấu bóng đá phong trào tại TPHCM. Anh liền tức tốc đến địa điểm và đăng ký ứng tuyển.

“Sau bao nhiêu năm tìm đường chạm vào ước mơ, tôi vô cùng hạnh phúc khi lần đầu cầm mic bình luận trực tiếp tại Giải bóng đá Sài Gòn Digital Cup 2012.

Dù chỉ là giải đấu bóng đá phong trào nhưng thực sự rất vui. Đến giờ vẫn không quên được cảm giác vừa run vừa sướng, khi trực tiếp bình luận giọng miền Bắc xen lẫn giọng Quảng Trị, hóa ra lại được mọi người đánh giá cao vì nghe… là lạ” - Anh kể.

Nhiều người đam mê bóng đá quen dần và cảm thấy thích thú về chàng trai người Quảng Trị này trên các sân bóng đá tại TPHCM, với chất giọng không giống ai, nhưng nghe một lần là nhớ ngay.

Bây giờ nói đến cái tên Bạch Long, trong giới làm bóng đá phong trào, không nhà tổ chức nào không biết. Nhưng dăm năm trước thì lại là câu chuyện khác.

Anh cho biết, khó khăn lúc bấy giờ chính là nhiều giải bóng đá chưa chú trọng lắm đến BLV trực tiếp tại sân bóng, thêm nữa tên tuổi của Long cũng chưa có, nên anh thường xuyên tự đi liên hệ với các đơn vị tổ chức giải bóng đá.

“Lúc bấy giờ, thu nhập từ việc bình luận cũng thấp, đôi khi chỉ đủ nhâm nhi ly café, cốc trà đá nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ, bởi tôi bình luận trước hết là để thỏa mãn niềm đam mê cho chính mình.

Thay vì như ngày còn ở quê tôi nghêu ngao bình luận khi chơi điện tử, khi xem ti vi, thì bây giờ tôi bình luận trong giải đấu, có dàn âm thanh, và thoải mái bình luận, tự “cháy” cho thỏa bao ngày dồn nén” - Long bộc bạch.

Thấm thoắt đã 5 năm, cái tên Bạch Long gắn bó với bóng đá phong trào, bóng đá “phủi” và gần đây là bóng đá futsal chuyên nghiệp tại TPHCM.

Long tâm sự, anh không nhớ cụ thể đã bình luận bao nhiêu trận đấu, bao nhiêu giải thể thao, nên con số chỉ mang tính ước lệ vài trăm giải đấu, với hàng ngàn trận đấu.

Có những lúc ngồi dưới mưa, theo chân các cầu thủ, rồi những lúc trời nắng nóng, anh vẫn nhiệt thành đến tận cuối trận, đem niềm vui cho khán giả đang xem trực tiếp.

Bởi anh biết có bình luận trực tiếp, các cầu thủ sẽ thi đấu máu lửa, sung sức hơn, không khí sôi nổi hơn, khán giả cũng vì đó mà thêm thích thú với trận đấu.

Hiện tại, Long đang làm biên tập viên cho trang web thể thao của Mobifone, ChemgioTV, Livestream Việt Nam, Giaibongda.com…, thường xuyên được bình luận các trận bóng trên kênh Vietnamfutsal.

Từ bóng đá, anh có cơ hội đi bình luận nhiều từ TPHCM đến các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Long An, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương....

Chỉ có hai nơi anh chưa được “hành nghề” là Hà Nội và quê hương Quảng Trị, cũng là những nơi bóng đá phong trào và nhất là futsal chưa phát triển thành các giải quy mô.

Khi được hỏi về cuộc sống riêng, chuyện tình cảm, Long cười hiền: “Với mình bây giờ, đầu óc và con tim dường như dành trọn cho công việc, cho bóng đá.

Mê bình luận, mê bóng đá đến mức ngấm vào máu, nên cũng không sắp xếp được thời gian để yêu chiều hay hẹn hò với cô gái nào. Thôi thì, hò hẹn với đam mê cũng là niềm hạnh phúc!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ