Người thầy "mê" học sinh cá biệt

Không trực tiếp làm chủ nhiệm, lại có thời gian dài lãnh nhiệm vụ tổ phó, tổ trưởng tổ giám thị, nhưng thầy được rất nhiều học trò mê, trong đó có nhiều em ương ngạnh, cá biệt.

Người thầy "mê" học sinh cá biệt

Facebook của thầy có hơn 1.500 bạn, chủ yếu là học sinh, thường xuyên theo dõi.

Thầy không dạy văn, toán, tiếng Anh hay các môn quan trọng để thi ĐH mà là một môn “không hào hứng lắm” với hầu hết học sinh THPT: thể dục.

Đó là những điểm khác biệt về thầy Lương Văn Thanh, giáo viên thể dục trường THPT Thủ Thiêm, Q.2 TP.HCM - người đã có hơn 25 năm theo đuổi sự nghiệp trồng người.

“Tự nguyện” làm giám thị

Với quan niệm “giáo dục học trò là trách nhiệm của nhà giáo. Phải dạy người trước khi dạy chữ”, từ khi bắt đầu nghề dạy học thầy đã tự nguyện làm giám thị cho học sinh theo cách của riêng mình.

Không là giáo viên chủ nhiệm, cũng không dạy môn học có nhiều thời gian gần học sinh, thầy tìm cách tiếp xúc với trò mọi lúc mọi nơi, trong những giờ dạy của mình, trong các hoạt động thể dục thể thao, qua trao đổi với đồng nghiệp, phụ huynh...

Hơn 25 năm dạy học, thầy không nhớ đã đến nhà bao nhiêu học sinh, đã gặp bao nhiêu phụ huynh, trong những hoàn cảnh nào... Nhưng đến nay thầy vẫn luôn khắc tâm: muốn uốn nắn một người thì phải hiểu “tâm tính đó từ hoàn cảnh nào mà ra”.

Một học trò mất cha mất mẹ, sống với dì nhưng dì cũng không dạy bảo nhiều, chỉ cho ăn cho mặc, cấp THCS đã nổi lên như là một “tay anh chị” đáng nể, lên THPT càng muốn chứng tỏ uy lực của mình.

Thầy tìm hiểu hoàn cảnh rồi nhận ra rằng do mặc cảm không cha không mẹ, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Ngỗ ngược, phá phách, muốn người khác nể sợ, sống như bụi đời là những bộc phát của trò để chống lại cảm giác đó.

Thầy đã dành sự quan tâm đặc biệt đến trò, bù đắp phần nào sự thiếu hụt. Thầy động viên tinh thần, nhiều lần chở trò về tận nhà. Ngay cả khi dì bán nhà, trò không có chỗ ở, thầy đã gửi trò ở nhà người quen.

Trước ngày trò thi tốt nghiệp, thầy nhắn tin, động viên trò đi thi, theo trò đến tận phòng thi như là cha, là mẹ.

Ba năm học trôi qua, tính khí của trò đã thay đổi và đặc biệt trò không hề gây ra một cuộc ẩu đả nào, bởi bản thân trò cũng sợ thầy buồn.

Từ sự theo sát của thầy với học sinh trước đó, tám năm trở lại đây thầy được ban giám hiệu nhà trường đưa vào tổ giám thị.

“Thầy Thanh là người địa phương, lại dạy thể dục, có thời gian để tiếp cận học trò, gắn bó với trường đã lâu nên trường sắp xếp thầy vào vị trí này” - thầy Nguyễn Tiến Hỉ, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Giúp trò “cá biệt” khám phá chính mình

Thầy lý giải: “những học sinh “cá biệt” thực tế không có gì cá biệt cả. Những em này có thể không giỏi toán, văn, ngoại ngữ... nhưng có thể lại rất khá trong chạy, nhảy, đá bóng, đá cầu hoặc kỹ năng khác. Mà thực tế những trò hiếu động thì thích chơi thể thao lắm.

Dạy những lớp này, tôi có thể giúp các em khám phá khả năng của mình, giúp các em biết sử dụng năng lượng vào đâu và bản thân tôi cũng thấy hữu dụng khi có thể chủ động lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp”.

Thầy không quên được cậu học trò đích tôn của một dòng họ danh tiếng làm giáo viên chủ nhiệm “nhức đầu” không biết bao nhiêu lần. Trò tính khí ngang tàng, lại được gia đình cưng chiều, lên thành phố sống với cô như chim sổ lồng, như cá gặp nước, chỉ mải chơi không lo học hành. Qua hai lần phạt, thầy tạo cho trò cơ hội thể hiện mình.

Biết trò thích đá banh, thầy cho trò ra sân bóng rồi hỏi han, phân tích, kèm cặp cả những môn học khác. Cứ như vậy, trò bớt tính ngang tàng rồi chuyên tâm học hành, tiến bộ đến mức bà nội của trò đã phải thốt lên: “Không biết thầy dạy làm sao mà nó thay đổi quá”.

Không ai nghĩ trò sẽ đậu tốt nghiệp THPT, đậu ĐH, CĐ nhưng riêng thầy thì tin. Và trò đã làm được. Từ đó, gia đình trò coi thầy như một ân nhân.

Khi tiếp xúc học sinh cá biệt, thầy thường kể câu chuyện của chính mình. “Tại sao học giỏi toán mà đi dạy thể dục?”, nhiều bạn học ngày xưa của thầy vẫn thốt lên như vậy bởi không thể hiểu nổi cách thầy chọn môn học được coi là “hẩm hiu” trong nghề dạy học để ôm vào mình, trong khi có khả năng theo một con đường rực rỡ hơn.

Thầy lại nói với trò: “Thầy chọn thể dục chứ không chọn toán vì bất cứ lúc nào, cứ được vận động cùng mọi người, làm nóng lên tinh thần thể dục thể thao là thầy thấy vui, thấy hạnh phúc”.

Và rồi thầy dạy học sinh: hãy học những gì mà em cảm thấy gắn bó, thấy yêu và có thể sống hết mình với nó. Môn học nào cũng trở nên hữu ích nếu đi đến tận cùng của sự đam mê.

Với thầy, thể dục thể thao là môn tổng hợp tất cả các môn, là kỹ năng sống mà bất kỳ học sinh nào cũng cần.

Trò đá bóng không chỉ để giải phóng năng lượng, rèn cơ bắp, sức bật mà còn thể hiện sự dẻo dai, nhẫn nại theo đuổi mục đích, rèn tính công bằng, bình đẳng, tôn trọng pháp luật trong cạnh tranh, trong cuộc sống.

Đá cầu, bơi lội, nhảy cao, nhảy xa... mỗi môn học là một cách để học sinh tiếp cận với cuộc sống, với các kỹ năng làm chủ bản thân.

Cứ thế, thầy vừa dạy học sinh các môn học, vừa kể những câu chuyện liên quan đến cuộc sống để trò hiểu, trò cảm và từ từ thấm các kỹ năng.

“Mình thương trò, giúp trò khám phá khả năng bản thân, tìm được ý nghĩa việc học tập, rèn luyện. Trò cảm nhận được tấm lòng của mình, rồi tất cả sẽ tốt lên thôi” - thầy nói.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...