Người nặng lòng với bảo vật quốc gia ở Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Bằng đam mê và tâm huyết, nghệ nhân Kiều Đức Thưởng mong muốn gìn giữ, quảng bá hình ảnh bảo vật quốc gia đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phiên bản 1:1 Tháp gốm men chùa Trò được trưng bày ở nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc
Phiên bản 1:1 Tháp gốm men chùa Trò được trưng bày ở nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc

Duyên nợ với bảo vật

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng (sinh năm 1977) là cái tên không còn xa lạ với người làm nghề mộc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Nơi anh sinh ra (xã An Tường, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có tới hai làng nghề mộc là Bích Chu và Thủ Độ. Cũng bởi vậy, gia đình có 6 anh, chị, em thì 5 anh em trai đều theo nghề dùi, đục, cưa, xẻ từ nhỏ.

Cá nhân anh Thưởng, khi tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề vừa vững thì cũng là lúc hoạt động của làng nghề đi xuống, hàng hóa ế ẩm. Việc ít, người nhiều... lúc đó, anh phải bỏ dùi đục lên thành phố xin việc như dọn phòng, sửa chữa đồ gia dụng… để nuôi sống bản thân.

Là người thợ tài hoa lại nhạy bén trong kinh doanh, sau thời gian “lăn lộn với đời”, anh Thưởng quyết chí quay về quê hương để vực lại nghề mộc truyền thống của cha anh.

Anh Thưởng kể lại: Lúc đó tôi nhận thấy nghề mộc không chỉ có làm đồ gia dụng, cần phải cải tiến, làm những đồ nội thất tinh xảo, tỷ mỷ để theo kịp với thị hiếu của xã hội.

Nghĩ là làm, anh bắt tay thành lập công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ có độ tinh xảo và tính nghệ thuật cao. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình.

Từ đó đến nay, nhờ đổi mới mẫu mã mà các sản phẩm của công ty anh không chỉ có thương hiệu ở trong nước mà còn được khách hàng ngoài nước tìm đến, thăm quan và đặt hàng.

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng và phiên bản tỷ lệ 1:1 của Tháp gốm me chùa Trò.

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng và phiên bản tỷ lệ 1:1 của Tháp gốm me chùa Trò.

Không chỉ đam mê nghề mộc, anh Thưởng còn là người say sưa với văn hóa, cổ vật. Chính vì vậy, anh luôn mong muốn những sản phẩm đặc trưng của đất và người Vĩnh Phúc được biết đến rộng rãi hơn. Đặc biệt là những sản phẩm tinh xảo, có yếu tố thẩm mỹ cao, mang tính chất phục dựng và tái hiện lại những di sản, cổ vật quý tiêu biểu cho vùng đất, con người Vĩnh Phúc.

Một trong những cổ vật mà anh dành cả tâm huyết, sự nghiệp để theo đuổi đó là Tháp gốm men chùa Trò Vĩnh Phúc có niên đại thời Trần. Đây là tác phẩm độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và khoa học trong kho tàng di sản văn hóa nước ta.

Về kích thước, đây là tháp thờ bằng gốm men lớn nhất, nguyên vẹn nhất có trong kho tàng gốm cổ Đại Việt. Hoa văn trang trí tháp chùa Trò có đề tài vô cùng phong phú mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo, bảo lưu truyền thống gốm dân tộc, thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa.

Về màu sắc men, tháp gốm chùa Trò sử dụng ba màu men chính là men ngọc chủ đạo, men trắng làm nền, men nâu điểm xuyết. Đó cũng là ba màu men chính của gốm Đại Việt thời Lý - Trần, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển gốm Việt Nam.

Với những giá trị của mình, Tháp gốm men chùa Trò của tỉnh Vĩnh Phúc đã được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2018.

“Mong ước lớn nhất của tôi là lưu giữ cho quê hương, cho làng nghề vốn tinh hoa của các cổ vật, bảo vật, di tích. Chính vì vậy, tôi đã chủ động nghiên cứu, đầu tư kinh phí trang bị các loại máy quét 3D hiện đại để hỗ trợ công tác thiết kế và sản xuất, phục dựng lại đầy đủ các chi tiết của bảo vật Quốc gia, Tháp gốm men chùa Trò Vĩnh Phúc”, anh Thưởng cho biết.

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng giới thiệu phiên bản nhỏ của Tháp gốm men chùa Trò làm quà tặng cho du khách.

Nghệ nhân Kiều Đức Thưởng giới thiệu phiên bản nhỏ của Tháp gốm men chùa Trò làm quà tặng cho du khách.

Theo quan niệm của anh Thưởng, khi phục chế, phục dựng bất kể một cổ vật, hay di sản nào thì bản thân cần trau dồi ba yếu tố là nghệ thuật, tâm linh và khoa học.

Các công trình cổ vật đều là những tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm lịch sử văn hóa cổ xưa. Vì vậy, người phục chế tái hiện lại thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, không những phải hiểu được vẻ đẹp chiều sâu tư tưởng mà còn phải tái tạo cả linh hồn và phần quá khứ xa xưa mà chúng lưu giữ.

Góp phần quảng bá bảo vật quê hương

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay, các bản sao Tháp gốm men chùa Trò với nhiều kích cỡ và nguyên liệu khác nhau được sản xuất và phục dựng thành công bằng nguyên liệu gỗ như mít, gỗ sưa, gỗ xoan đào, được phủ sơn và dát vàng truyền thống.

Phiên bản nhỏ hơn được làm là gỗ và sứ để làm quà tặng, đồ lưu niệm, góp phần quảng bá truyền thống văn hóa của vùng đất cổ Vĩnh Phúc.

Các phiên bản tỷ lệ 1:1 của tháp được người dân và du khách rất chú ý, được đặt trang trọng tại các trung tâm hội nghị, hội thảo, được trưng bày tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Vĩnh Phúc như lễ hội Tây Thiên, các làng văn hóa kiểu mẫu, cuộc thi Hoa hậu du lịch thế giới 2022, Hội thảo quốc gia về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, tặng các đoàn khách quốc tế …

Ngoài ra, anh Thưởng còn nảy ra ý tưởng độc đáo là đặt Tháp gốm men chùa Trò trên hòn đảo thuộc khu vực hồ Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến tháp sẽ cao hơn 30m để phù hợp với tỷ lệ không gian của khu vực quảng trường. Phần bệ tháp sẽ là một bảo tàng nhỏ giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi nghiên cứu ý tưởng của anh Thưởng và tiến hành khảo sát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc xin chủ trương thực hiện Dự án Xây dựng biểu tượng bảo vật quốc gia Tháp gốm men chùa Trò tại Quảng trường tỉnh nhằm tạo điểm nhấn về không gian du lịch, văn hóa cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháp gốm men chùa Trò.
Tháp gốm men chùa Trò.

Theo anh Thưởng, Vĩnh Phúc là vùng đất có đầy đủ chất liệu để kể những câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm. Nhiều khách hàng thích sản phẩm của Vĩnh Phúc vì được làm bởi các nghệ nhân, làm bằng cái tâm với nghề và gắn với những câu chuyện văn hóa nên sẵn sàng tìm mua dù giá có thể cao hơn.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề mộc, nghệ nhân Kiều Đức Thưởng luôn tâm niệm phải yêu nghề, từ đó mới có thể tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với thị trường đầy biến đổi.

“Sau Tháp gốm men chùa Trò, tôi sẽ cố gắng tạo ra các sản phẩm độc đáo mang bản sắc riêng của quê hương Vĩnh Phúc. Qua đó, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của quê hương cũng như quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến mọi miền tổ quốc và thế giới”, anh Thưởng khẳng định.

Tháp gốm men chùa Trò đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018. Tháp gốm vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự) thuộc xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Vì là cây tháp thờ nên được đặt trang nghiêm trước cửa chùa. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời Lý – Trần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ