Vị Trạng nguyên duy nhất ở Phú Thọ làm rạng danh truyền thống khoa bảng

GD&TĐ - Ông là Trạng nguyên duy nhất của tỉnh Phú Thọ, đứng đầu trong số 13 vị đại quân trung thần tử tiết nhà Lê...

“Thần đồng” của làng Trình xưa

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại và những tư liệu còn lưu giữ, Trạng nguyên Vũ Duệ vốn là người làng Trình Xá, tổng Vĩnh Lại, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây (nay là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ông sinh ngày mùng 8 tháng Chạp năm Kỷ Mão (năm 1469).

Vị Trạng nguyên duy nhất ở Phú Thọ làm rạng danh truyền thống khoa bảng ảnh 1

Khuôn viên Đền thờ Trạng Nguyên Vũ Duệ.

Vũ Duệ thuở nhỏ tên là Vũ Nghĩa Chi, được mệnh danh là “Thần đồng”. 7 tuổi đã đọc thông, viết thạo, biết làm thơ. Năm 20 tuổi, ông đỗ đầu thi Hương. Khoa thi Hội năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), ông đỗ Trạng Nguyên.

Tên tuổi Trạng nguyên Vũ Duệ đã được khắc ghi trên bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ông làm việc nước từ đời Lê Thánh Tông tới các triều vua: Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Mục và Chiêu Tông, trải qua các chức vụ từ tham phủ tới lại bộ thượng thư, đông các đại học sỹ, Trịnh Ý bỉnh văn, Thiếu bảo, tước Trình khê hầu.

Thời Chiêu Tông đất nước suy tàn, tướng võ Mạc Đăng Dung thoán quyền, cướp ngôi vua. Ông không chịu nổi, tử tiết ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (năm 1522).

Trạng nguyên Vũ Duệ có 32 năm tận tuỵ làm việc nước giúp vua trị vì đất nước, góp phần đưa đất nước thời Lê Thánh Tông đến phồn vinh, thái bình.

Ông là tấm gương sáng về truyền thống hiếu học, thương dân ái quốc, vì nghĩa lớn quên thân, bậc công thần tiết nghĩa thời Lê.

Vũ Duệ đứng đầu trong số 13 vị đại quân trung thần tử tiết; là nhà danh nho đứng đầu hàng khoa bảng trong số 26 vị danh nho tỉnh Phú Thọ; là Trạng nguyên duy nhất của tỉnh Phú Thọ.

Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ông tại quê hương Trình Xá, Vĩnh Lại.

Về thơ văn, Vũ Duệ có bài Đình Đối trong kỳ thi Canh Tuất (1490), bài phú “Tương đàn phú”, bài bạt “Lan đình chiêm bạt ứng chế, 6 bài thơ Phụng hòa thơ Hoàng đế Lê Thánh Tông băng hà, thơ “Giá hạnh bảo châu cảm tác” và bài thơ “Co cuồng”… và nhiều giai thoại khác.

Đền cổ vang mãi tiếng thơm

Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ được xây dựng tại làng Vĩnh Lại. Ngôi đền trầm mặc, cổ kính, phủ bóng thời gian tọa lạc bên dòng sông Thao hiền hòa.

Trải qua thời gian, vật đổi sao dời, chiến tranh, giặc giã và thiên tai, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Lại vẫn quyết tâm gìn giữ, tu sửa, tôn tạo ngôi đền như một biểu tượng thiêng liêng về truyền thống học hành của quê hương.

Chính cung Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ.

Chính cung Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ.

Theo hồ sơ xếp hạng di tích, đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ được khởi dựng vào đầu thế kỷ XVI (năm 1522). Về sau, ngôi đền được nhà Hậu Lê xây dựng lại khang trang, quy mô bề thế hơn.

Ngôi đền trước kia nằm bên bờ sông Hồng, quay theo hướng Đông Nam, cách cống Trịnh khoảng 150m.

Sau này, do bờ sông sạt lở, cùng với việc dựng lại ngôi đền thờ Vũ Duệ, nhà Hậu Lê dưới triều Lê Anh Tông đã cho mang thi hài của ông về táng tại nội cung chính giữa ngôi đền.

Đền thờ được xây lại theo kiến trúc “Nội công, ngoại quốc” tại ngõ Đông An, xã Trình Xá, tổng Vĩnh Lại, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao xứ Sơn Tây, nay là thôn Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Đền được mang tên “Tiết nghĩa từ” nghĩa là đền thờ ông Tiết nghĩa. Ý nghĩa này gắn liền với sự kiện sau 44 năm ngày Vũ Duệ mất, tháng 11 năm Bính Ngọ (1566), vua Lê Anh Tông đã tuyên dương công trạng của 13 vị quan tử tiết và xếp Vũ Duệ đứng đầu.

Vào thời hưng thịnh đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), đền thờ đã được trùng tu hai lần. Lần thứ nhất do tiến sĩ Nguyễn Mai, lúc đó làm trấn thủ Sơn Tây, lần thứ hai do tiến sĩ Lý Trấn Quán làm giám sát ngự sử thực hiện.

Thời Nguyễn, đền thờ Vũ Duệ cũng hai lần di chuyển, xây dựng lại. Lần thứ nhất vào thời Minh Mạng, năm Ất Dậu (1825), chuyển đền từ bờ sông về xứ Cây Quân. Sau này, đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ cũng được tu sửa vài lần.

Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngôi đền còn lại 2 gian hậu cung và 5 gian đại bái.

Năm 1948, đền thờ bị thực dân Pháp đốt cháy, năm 1998, nhân dân khởi công xây dựng lại. Đầu năm 2000, ngôi đền được khánh thành trên khu đất hiện tại.

Năm 2017, ngôi đền được đại trùng tu, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 2 tòa: Tiền tế 3 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái đao cong và tòa Hậu cung 2 gian, 1 chái, bộ khung vì bê tông cốt thép.

Giáo viên và học sinh tại huyện Lâm Thao nghe giới thiệu về cuộc đời, thân thế Trạng nguyên Vũ Duệ.

Giáo viên và học sinh tại huyện Lâm Thao nghe giới thiệu về cuộc đời, thân thế Trạng nguyên Vũ Duệ.

Hàng năm ngày 16 tháng 8 âm lịch, nhân dân làng Trình Xá tổ chức lễ hội đền quan trạng. Tế tại đền trạng nguyên Vũ Duệ khác với các nơi là chỉ tế một tuần (các nơi khác tế tam tuần).

Mạc Đăng Dung là quan võ, Vũ Duệ là quan văn, hai vị thượng lai và tướng võ rất nhiều năm phò Lê. Khi Vũ Duệ tử tiết, Mạc Đăng Dung đã về tại Trình Xá và tế “Trạng nguyên Đoan Thính” tại đền “Trạng nguyên tiết nghĩa từ”.

Hiện nay các sắc phong đã bị hư hỏng do bão lụt và trải qua các cuộc chiến tranh. Các triều Mạc, Hậu Lê, Nguyễn đều có sắc phong công trạng của Vũ Duệ. Các cụ làng Trình Xá còn ghi chép lại được nội dung sắc phong thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 44 (năm 1783), ngày 16 tháng 5.

Ngoài ra, di tích đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ còn lưu giữ các hiện vật như bức hoành phi, tượng Trạng nguyên Vũ Duệ, long ngai, đèn gỗ…

Vọng về trong hiện tại

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ ông cha đi trước nói chung và công trạng của Trạng nguyên Vũ Duệ nói riêng, trong suốt hành trình xây dựng quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Lại đã đoàn kết một lòng, chung tay tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Từ năm học 2023-2024, Trường THCS Lâm Thao chính thức được đổi tên thành Trường THCS Vũ Duệ.

Từ năm học 2023-2024, Trường THCS Lâm Thao chính thức được đổi tên thành Trường THCS Vũ Duệ.

Vĩnh Lại là xã đồng bằng nằm phía Nam huyện Lâm Thao. Cũng như người dân Lâm Thao nói chung, nhân dân Vĩnh Lại có truyền thống cần cù trong lao động, sáng tạo trong sản xuất, dũng cảm trong đấu tranh.

Xã có diện tích 10,28 km², dân số năm 2019 là 8.872 người, mật độ dân số đạt 863 người/km². Phía Đông giáp xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội (cách sông Hồng), phía Tây giáp xã Tứ Xã, phía Tây Nam giáp xã Bản Nguyên, phía Bắc giáp xã Cao Xá.

Trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Lại nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Lại nổi tiếng với những cánh đồng mẫu lớn. Đây cũng là địa phương điểm sáng của huyện và cả tỉnh về xuất khẩu lao động…

Những năm gần đây, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống quê hương, sáng tạo trong thời kỳ mới, địa phương đã có được một bộ mặt nông thôn thật sự khởi sắc với rất nhiều nhà cao tầng; kinh tế nông nghiệp phát triển, tiếp tục xây dựng sản xuất cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu nông nghiệp sạch, mang lại diện mạo mới cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Vĩnh Lại nói riêng, các xã phía Nam của huyện nói chung.

Hiện nay, trong xã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng, các công trình dân sinh phục vụ đời sống của người dân được xây dựng hoàn thiện.

Phát huy truyền thống khoa bảng xưa, những năm qua, ngành giáo dục xã Vĩnh Lại đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho giáo dục ngày càng được quan tâm và trang bị. Tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học hằng năm đạt tỷ lệ cao.

Các thế hệ học sinh là con em của quê hương Vĩnh Lại thành đạt, làm cán bộ và giữ các chức vụ trong và ngoài tỉnh khá đông. Công tác khuyến học khuyến tài được địa phương đặc biệt quan tâm.

Trong bảng vàng truyền thống Vĩnh Lại, Trạng nguyên Vũ Duệ, người làm rạng danh quê hương, sáng ngời truyền thống học hành, khoa bảng luôn là biểu tượng để các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương và phát triển.

Từ ngày 1/9/2023, Trường THCS Lâm Thao chính thức đổi tên thành Trường THCS Vũ Duệ. Được mang tên vị Trạng nguyên duy nhất của tỉnh Phú Thọ là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn của thầy và trò nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.