Người “đưa đò” giữa trùng khơi

GD&TĐ - “Tôi yêu những người yêu đảo, thương những người thương đảo và nguyện gắn bó với đảo cả quãng thời gian công tác của mình để kiên trì “gieo chữ”, “chèo đò” cho lớp lớp học sinh thân yêu nơi hòn đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ”, đó là trải lòng của cô Vũ Thị Hà (giáo viên Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ - TP Hải Phòng).

Cô giáo Hà trải lòng về sự nghiệp trồng người
Cô giáo Hà trải lòng về sự nghiệp trồng người

Cái duyên với đảo

Huyện đảo Bạch Long Vỹ được thành lập năm 1992, là hòn đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ (cách đất liền khoảng 110 km với 7 tiếng chạy tàu). Bạch Long Vỹ có vị trí chiến lược quan trọng cả về Kinh tế - An ninh quốc phòng của vịnh Bắc Bộ.

Ở nơi hải đảo xa xôi, muôn trùng sóng gió có những thầy cô vẫn ngày ngày kiên trì bám biển, bám đảo, chăm lo dạy dỗ học trò. Trong những tấm gương nhà giáo tiêu biểu đó phải kể đến cô giáo Vũ Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ.

Trong chuyến công tác tại huyện Bạch Long Vỹ, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cô giáo Hà. Qua câu chuyện mộc mạc, đời thường của cô Hà, tôi phần nào hiểu được cuộc sống của người giáo viên nơi đảo xa. Hàm chứa bên trong những câu chuyện đó, là tình yêu biển đảo tha thiết, khát vọng “gieo mầm” tri thức của những người chèo đò giữa trùng khơi sóng vỗ.

Sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng, vốn quen với cuộc sống biển khơi, sóng gió nên cô Hà yêu biển bởi tình yêu nơi chôn rau cắt rốn.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, chứng kiến nỗi vất vả, gian truân của người dân chài; sự thiệt thòi, thiếu thốn, thất học của trẻ em trên đảo, năm 1986 cô Hà đã chọn học ngành sư phạm, mong trở thành GV để về quê nhà công tác.

Năm 1989, cô Hà ra trường và được phân công dạy học ở Trường Tiểu học Lê Thiện (huyện An Dương, TP Hải Phòng). Trong những năm tháng công tác trong đất liền, cô Hà vẫn nung nấu ý định có ngày được cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp trồng người nơi biển đảo quê hương.

Lớp học trên đảo không đông nhưng lúc nào cũng ấm áp tình người, rộn vang niềm vui
 Lớp học trên đảo không đông nhưng lúc nào cũng ấm áp tình người, rộn vang niềm vui

Dịp hè năm 1996, trong lần về quê thăm gia đình, cô Hà gặp người bạn của bố, lúc đó ông làm Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ. Qua trò chuyện, ông tỏ ý muốn mời cô ra đảo công tác.

Cô Hà chia sẻ: Cái duyên được gặp bác Chủ tịch huyện Bạch Long Vỹ đã giúp tôi thực hiện được hoài bão mình từng ấp ủ. Vậy là bất chấp sự góp ý của đồng nghiệp, thậm chí can ngăn từ phía gia đình tôi đã “khăn gói” lên tàu ra bám đảo.

Lường trước mọi khó khăn khi ra công tác tại đảo, nhưng cô Hà cũng không ngờ đến với Bạch Long Vỹ lại gian nan, vất vả đến vậy.

“Ngày đó, phương tiện ra đảo vô cùng hiếm hoi. Chiếc thuyền ra đảo bé như thuyền đánh cá của ngư dân. Phải mất đến 4 ngày thuyền mới cập bến với lý do sóng to nên phải ghé vịnh trú tạm. Hai ngày sau đoàn xuất phát từ Cát Bà và mất đến 20 tiếng mới tới Bạch Long Vỹ”, cô Hà nhớ lại.

Sau hai ngày nghỉ ngơi, chị Hà đến Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ nhận nhiệm vụ. Nhìn những đứa trẻ ngây ngô, quần áo xộc xệch đến lớp mà cô Hà không cầm được lòng mình. Cô tự dặn mình, ngôi trường này sẽ là ngôi nhà thứ 2 của mình, mình phải có bổn phận ở nơi đây.

Người mẹ hiền thứ 2

Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ hôm nay có cơ sở vật chất khá đầy đủ với các dãy phòng học khang trang, sạch sẽ. Qua dòng hồi tưởng của cô giáo Hà, những năm đầu huyện Bạch Long Vỹ mới thành lập cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn mọi thứ.

Cô Hà cho biết: Ai đó từng nhận xét, Bạch Long Vỹ với gió biển, cát trắng và những con đường mòn thật đúng. Đời sống của mọi người dân rất khó khăn nên họ cũng không có điều kiệm chăm lo cho giáo dục. Nhiều lúc mình cũng thấy nản nhưng có sự quan tâm của chính quyền, phụ huynh, đặc biệt là sự yêu quý của học sinh là sợi dây níu giữ mình ở lại.

Cô trò tạm biệt nhau lúc tan trường
 Cô trò tạm biệt nhau lúc tan trường

Nhìn những ánh mắt học trò ngây thơ, trong sáng cô giáo Hà tự hào nói: Năm học này, Trường Tiểu học và Mầm non Bạch Long Vỹ có 46 học sinh. Trong đó có 26 trẻ mầm non và 20 trẻ tiểu học. Trường, lớp ít học sinh nhưng không vì thế mà kém vui.

Tại trường không chỉ dạy văn hóa mà cô Hà còn kiêm dạy học sinh cả các môn phụ như Mỹ thuật, hát nhạc, kỹ năng sống…

Đặc biệt, cô Hà còn tự sáng tác một bài thơ mang tên “Ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu” sau đó cô trò tự phổ nhạc và hát vào mỗi buổi học.

Cô Hà kể, trong quãng thời gian công tác tại đảo, học trò để lại ấn tượng sâu sắc nhất là Nguyễn Nhân Quyết. Quyết mồ côi bố từ nhỏ, mẹ ra đảo bán hàng nuôi hai anh em. Đã 7 tuổi mà em không biết nói, không có cảm xúc và mắc chứng rối loạn hành vi. Việc dạy Quyết khiến cô Hà gặp nhiều khó khăn. Nhưng thương trò thiệt thòi, cô đã bỏ ra nhiều công sức dạy dỗ, tìm mọi cách tác động tâm lý đưa em trở lại một cậu bé phát triển bình thường. Đó là kỳ tích đối với cô Hà khi các đồng nghiệp không ai dám tin chị làm được.

Với những cống hiến cho ngành Giáo dục, năm 2016, cô Hà được Trung ương Đoàn thanh niên tặng Bằng khen Nhà giáo tiêu biểu xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng giáo dục thế hệ trẻ; Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen Nhà giáo tiêu biểu xuất sắc trong công tác tại huyện đảo, xã đảo.

Hy sinh thầm lặng

3 năm sau khi ra đảo, cô Hà xây dựng gia đình riêng. Hai người yêu nhau khi cô đang dạy trong đất liền. Sau khi cô ra đảo, anh đã ra theo tiếng gọi của tình yêu. Hiện nay, gia đình cô có hai con trai lớn đang theo học ở trong đất liền. Lo cho hai con, nên chồng cô theo vào chăm các con, còn cô ở lại tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.

Cô Hà cho hay, khi biết có đoàn báo chí ra công tác tại đảo, cô rất muốn ra cầu tàu để đón khách nhưng vướng giờ lên lớp nên đành thôi. 23 năm công tác trên đảo, cô “khát” người, thèm tình cảm và luôn thích ngắm cảnh tàu cập bến. “Có lẽ vì xa quê, xa gia đình nên tôi thèm cảm giác đón người thân”, cô Hà giải thích.

Chia sẻ về những hy sinh cá nhân, cô Hà tâm sự: Xa chồng con là một thiệt thòi lớn với tôi. Nhưng các cháu ngoan, học hành chăm chỉ là nguồn động viên rất lớn.

Đến bây giờ khi trò chuyện cùng chúng tôi, cô Hà vẫn không khỏi ngậm ngùi nói về việc báo hiếu bố mẹ lúc tuổi già.

“Khi bố mẹ tuổi già, mình là con gái nếu được sống gần thì đỡ đần được nhiều việc. Những lúc bố mẹ lâm chung nếu có mình thì bố mẹ cũng bớt đi sự cô đơn”.

Nói về sự nghiệp “gieo chữ” giữa trùng khơi, cô Hà cho hay, không ân hận về quyết định của mình. Bởi những “chuyến đò” cập bến, cô lại được thấy học trò khôn lớn dần. Có những học trò bé bỏng xưa kia giờ đã trưởng thành, nhiều em học đại học rồi lại quay về đảo công tác phục vụ dân đảo. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của một nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ