Duyên - nợ với nghề

GD&TĐ - Trong cuộc đời, có lẽ không ai không neo giữ cho mình những kỉ niệm về thời cắp sách, những người thầy, người cô đã đưa chúng ta đến một chân trời kiến thức rộng mở, và đôi khi đó còn là cả những cơ duyên cho bước đường sự nghiệp sau này. Tôi may mắn được gặp và được học những người thầy, người cô như thế. Để rồi hôm nay, tôi trở thành một giáo viên, tiếp tục hành trình gieo chữ, trồng người… 

Dạy học là truyền niềm tin, ước mơ và khát vọng sống cho học trò. Ảnh: Thiên Thanh
Dạy học là truyền niềm tin, ước mơ và khát vọng sống cho học trò. Ảnh: Thiên Thanh

1.Gần 30 năm đã trôi qua kể từ ngày tôi đặt chân vào Trường Năng khiếu Đức Thọ (nay là Trường THCS Hoàng Xuân Hãn – Đức Thọ – Hà Tĩnh). Trong kí ức của một đứa bé hơn 10 tuổi, tôi còn nhớ, năm 1991, trường chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 đơn sơ, khuôn viên không rộng rãi nhưng có nhiều cây xanh lại chen cả những luống ngô, khoai lang xanh và cả hoa cải vàng...

Hồi đó, mỗi khối chỉ có 2 lớp, lớp chuyên Văn và chuyên Toán với vỏn vẹn 20 học sinh. Tôi được tuyển thẳng vào lớp chuyên Văn vì đạt học sinh giỏi tỉnh năm lớp 4. Những ngày đầu, thực lòng mà nói, tôi vẫn còn tiếc nuối vì mình không được vào lớp chuyên Toán. Nhưng rồi, như một cơ duyên, niềm đam mê văn chương của tôi có dịp được khơi gợi qua những giờ giảng văn truyền cảm, qua các câu lạc bộ thơ văn thời đó đã xuất hiện ở trường. Tôi nhớ đến giọng giảng văn ấm áp, dịu dàng của cô Thân, sự tận tình của thầy Đàn, thầy Hoàng và đặc biệt những tiết học khi sôi nổi, lúc sâu sắc, trăn trở của thầy giáo Dương Thế Vinh. Đó cũng là một người anh họ của tôi.

Vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông La – con sông ngàn đời thao thiết chảy mang theo những ước mơ của cậu học trò nghèo, anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa Văn. Ngày đó, anh chuyển công tác từ một trường THPT của tỉnh Bình Thuận để về dạy học tại quê nhà. Tôi vẫn nhớ dáng anh cao, gầy, hay mặc áo trắng, khuôn mặt xương xương gò mình trên chiếc xe thống nhất. Bạn bè tôi – học sinh anh vẫn gọi đó là kiểu “sơ vin lộng gió”.

Sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu những trăn trở ngây thơ và có phần non nớt về lão Hạc, chị Dậu, về cô bé bán diêm…, về những tác phẩm văn chương thuở ấy đã giúp tôi có góc nhìn đa chiều, giàu lòng nhân ái hơn về cuộc sống. Những bài thơ đầu tiên của tôi về màu tím, về hoa cỏ may, chiều quê… đã được chọn đọc ở trường và cả Tạp chí Hồng Lĩnh rồi báo Mực tím, cả Hoa học trò nữa… Bản thân là một người viết (hồi đó anh đã xuất bản một số tập thơ), anh thấu hiểu được những nhọc nhằn, khổ ải trên con đường sáng tác nghệ thuật.

Và trên hết với tư cách của một người thầy giáo, anh đã truyền cho học trò niềm đam mê, niềm tin mãnh liệt vào chính mình và luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn chúng tôi những rung cảm nguyên sơ, thanh khiết nhất về cuộc sống. Những tiết giảng văn, đặc biệt những tiết dạy về Truyện Kiều của các thầy, các cô lúc đó luôn có sức truyền cảm như một thứ ma lực đặc biệt và từ đó giúp chúng tôi tiếp cận văn chương một cách chân thành hơn, ngôn từ trong sáng, tinh tế hơn…

2. Bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi và bạn bè cũng không còn nhớ thật nhiều những kiến thức mà các thầy, các cô đã dạy, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn luôn giữ mãi từng giọng giảng bài đầm ấm, ánh mắt dịu hiền, sự sẻ chia chân thành, sự khích lệ đúng mức…

Chúng tôi lớn lên theo muôn ngả cuộc đời. Tôi vinh dự được đến với Khoa Văn - giảng đường Đại học Sư phạm Vinh, mang theo tâm trạng tò mò, chút háo hức và hồi hộp rồi may mắn được tiếp tục hành trình của một người gieo chữ. Công việc dạy học, đặc biệt là dạy học Văn có biết bao nhiêu điều vui buồn, nhiều tình huống mà tôi chưa bao giờ được gặp hay được học để biết.

Ban đầu mò mẫm, làm theo kinh nghiệm của các thầy, các cô rồi làm bằng cái tâm và cái đức của mình. Những lúc ấy, tôi thấy mình mang trên vai một sứ mệnh thật lớn lao. Mỗi lần đón học sinh mới, tiếp nhận một lớp học mới, tôi hồi hộp vì chẳng rõ mình sẽ gặp những bạn trẻ thế nào? Họ cần gì, muốn gì? Họ mang những tâm tư gì vào lớp học? Mục tiêu họ muốn đạt tới là gì?... Chừng ấy câu hỏi làm tôi – một cô giáo – phải trăn trở về những gì sẽ làm và rồi tôi đã làm được và sẽ làm, cố gắng làm tốt hơn nữa. 

3. Mỗi lần về quê, đi ngang qua trường cũ với rất nhiều cây và hoa, lòng tôi lại trào lên bao cảm xúc. Và mỗi lần gặp lại thầy cô, tôi vẫn thấy sao thật khó nói lời tri ân bởi tôi biết rằng những người thầy cô không mong sự đền đáp. Vì vậy, tôi vẫn luôn khát khao và phấn đấu mang lại thật nhiều đam mê cho các thế hệ học sinh với văn chương, để văn chương có một chỗ đứng trong tâm hồn, trong những định hướng cuộc đời với người học.

Bây giờ, anh và nhiều cô thầy giáo đáng kính ấy đã nghỉ hưu nhưng nhiệt huyết, niềm đam mê chưa lúc nào thôi ngừng chảy. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi biết bầu máu nóng ấy vẫn luôn tràn đầy, mạch nguồn văn chương vẫn tuôn chảy và chính thầy cô đã phải vượt qua bao khó khăn để thu về quả ngọt như hôm nay.

Những lúc ấy, tôi thấy mình như bé lại, như quay ngược về tuổi thơ. Tôi vẫn mong những năm tháng ấy sẽ lưu giữ mãi trong cuộc đời này, để cho chúng tôi, dù có bị dòng đời thử thách vẫn luôn vững vàng một niềm tin, niềm lạc quan bởi chúng tôi từng được lớn lên với bao điều đẹp đẽ –nơi ấy chúng tôi có những người thầy đáng kính.

Vì thế, tôi cũng luôn tâm niệm: Hãy coi học trò là những người bạn để sẻ chia, đồng cảm, từ đó mới có thể phác họa được chân dung đời sống tâm hồn của học sinh. Dạy học phải truyền cả niềm tin, cả ước mơ, khát vọng sống chứ không phải là một khối lượng kiến thức đơn thuần, những con chữ khô khan trên trang giấy. Đó cũng chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, mỗi thế hệ thầy cô giáo và cả chúng tôi vẫn giữ cho nhau, vẫn truyền cho mỗi học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.