Dọc, ngang “tìm chữ” miền sông nước

GD&TĐ - Ở miền Tây, để đến trường, ngoài đường bộ thì hàng nghìn học sinh phải đi xuồng, đi đò. Đường đến trường của các em đều phụ thuộc vào con nước và phương tiện độc đạo là xuồng, ghe. Mỗi mùa nước lên, đường đến trường thêm phần vất vả vì sóng to, gió lớn, nguy hiểm luôn rình rập…

Phụ huynh ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chở con đến trường bằng xuồng máy. Ảnh: Q. Ngữ
Phụ huynh ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) chở con đến trường bằng xuồng máy. Ảnh: Q. Ngữ

Bám xuồng, bám ghe tìm con chữ

Ở miền Tây, ngoài đường bộ thì hàng ngàn học sinh phải đi xuồng, đi đò đến trường. Ảnh: Q. Ngữ
Ở miền Tây, ngoài đường bộ thì hàng ngàn học sinh phải đi xuồng, đi đò đến trường. Ảnh: Q. Ngữ

Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt, thời gian qua được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông nhưng nhiều nơi việc đi lại phải phụ thuộc vào đường thủy. Hiện vẫn còn nhiều nơi học sinh đến trường bằng xuồng, đò dọc, đò ngang như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp. Đặc biệt, hằng năm vào mùa lũ, các tỉnh đầu nguồn bị chia cắt, giao thông đi lại bằng phương tiện thủy là chủ yếu.

Những năm trước, điều kiện kinh tế còn khó khăn, con đường đến trường của học sinh vùng sông nước miền Tây rất vất vả. Nhiều em phải lội bộ hàng cây số để đến nơi đón đò dọc, đò ngang đến trường. Nhiều em nhà ở vùng sâu, vùng xa phải tự bơi xuồng đến trường hoặc nhờ phụ huynh đưa rước hằng ngày.

Là người có gần 40 năm gắn bó với giáo dục vùng sông nước, thầy Mai Văn Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), cho biết: “Trước đây, đường sá chưa có, thầy trò chúng tôi từ lúc mờ sáng phải đốt đuốc soi đường đến ven con sông lớn để đón đò dọc. Hôm nào trời mưa, chuyện té ngã, trễ đò phải bỏ học, bỏ dạy là bình thường. Con đường đến trường khó khăn, vất vả như vậy khiến việc dạy, học của thầy trò cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nhiều giáo viên mới ra trường từ nơi khác về thấy khó khăn quá nên đành xin nghỉ; còn học trò đi học cực khổ quá cũng bỏ học theo gia đình mưu sinh”.

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã có nhiều đổi thay, hạ tầng giao thông, trường học được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều em đến trường bằng đò ngang hay đi học bằng xuồng, ghe. “Học trò vùng sông nước bước ra khỏi nhà là sông, rạch nên các em dần cũng quen, không ngại vất vả. Cực nhất là mùa mưa, cộng với triều cường nước dâng lên ngập đường, nhiều em phải lội bộ vài km rồi qua đò mới tới trường. Tuy con đường đến trường vất vả nhưng học trò xứ cù lao vượt khó, học tốt; thầy cô bám trường, bám lớp”, thầy Mai Văn Vân, cho biết thêm.

Nhiều nơi con đường đến trường của học sinh đều phụ thuộc vào con nước và phương tiện độc đạo là xuồng, ghe. Ảnh: H. Vũ
Nhiều nơi con đường đến trường của học sinh đều phụ thuộc vào con nước và phương tiện độc đạo là xuồng, ghe. Ảnh: H. Vũ

Ở vùng đất mũi Cà Mau, con đường đến trường của học sinh cũng gắn liền với sông nước. Hàng nghìn em được xuồng máy, đò dọc chạy xuyên qua xóm làng, rước để đưa đến trường; hết giờ học lại đưa trở về nhà. Em nào nhà gần, con đường đến trường bằng xuồng máy vài km; em nhà xa nhất trên chục km. Cũng vì đò ngang cách trở, trước đây tình trạng học sinh bỏ học ở Cà Mau hằng năm tỷ lệ khá cao, nhất là ở những xã nghèo, địa bàn nhiều kênh rạch, học sinh phải đi học bằng đò.

Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Cà Mau có nhiều nỗ lực như cấp kinh phí đi đò, hỗ trợ xuồng máy đưa rước học sinh… Nhiều nơi hỗ trợ các khoản thuế và đóng góp của chủ đò để chở miễn phí học sinh; quyên góp giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi đò đến trường. Đặc biệt, các trường còn hỗ trợ học sinh nhà xa thuê nhà trọ gần trường để thuận lợi việc học tập.

Từ giải pháp này, tỷ lệ học sinh bỏ học của tỉnh Cà Mau giảm đáng kể. “Vượt qua mọi khó khăn, sự học ở nơi cuối trời của Tổ quốc luôn được quan tâm đầu tư. Nhiều gia đình nghèo khó nhưng quyết cho con ăn học mở mang tri thức, để đổi đời, góp sức xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, dù điều kiện đi lại khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nhưng hầu hết thầy cô giáo vẫn luôn bám trường, bám lớp, gieo chữ”, thầy Trần Văn Út - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết.

Theo con lũ đầu nguồn

Học sinh huyện An Phú (An Giang) đến trường bằng đò. Ảnh: Q. Ngữ
Học sinh huyện An Phú (An Giang) đến trường bằng đò. Ảnh: Q. Ngữ

Ngoài đặc thù địa hình sông nước, ĐBSCL hằng năm chịu ảnh hưởng con nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Mùa lũ ở miền Tây thường trùng với thời điểm học sinh bước vào năm học mới.

Đối với học sinh ở miền Tây, mùa lũ không đồng nghĩa với vất vả, nguy hiểm. Mùa lũ đem đến nguồn lợi thủy sản lớn, giúp gia đình các em có thu nhập ổn định. Dù con đường đến trường vào mùa lũ vất vả hơn nhiều, nhưng giờ đây việc học được người dân quan tâm nên tạo điều kiện tốt để con em được đến trường. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa đã góp phần cùng ngành Giáo dục hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn yên tâm tới lớp…

Nước lũ mỗi năm mỗi khác, có năm chỉ vừa ngập mặt ruộng, nhưng cũng có năm ngập cả nóc nhà, ngọn cây. Sống chung với lũ nên mọi sinh hoạt phải thích nghi, trước hết là trẻ nhỏ phải sớm biết bơi để tránh đuối nước. Việc học tập cũng phải phụ thuộc vào mùa lũ; nếu lũ cao, thời tiết xấu thì trường học phải nghỉ để bảo đảm an toàn cho trẻ, đến khi hết mưa gió việc dạy và học lại diễn ra bình thường.

Chia sẻ về con đường đến trường của học trò nơi rốn lũ vùng biên giới, thầy Đoàn Văn Trí - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết: “Chúng tôi còn một số điểm trường nằm tiếp giáp với biên giới Campuchia bị ảnh hưởng khi mùa lũ. Đây là vùng “ốc đảo” vì bị nước cô lập hoàn toàn. Nếu con nước lên cao thì thầy cô và học sinh đến trường bằng ghe, xuồng; những lúc mưa gió, thời tiết bất thường thì UBND xã tổ chức lực lượng địa phương đưa rước thầy cô và học sinh. Tuy điều kiện đi lại, đời sống khó khăn vất vả nhưng thầy cô giáo nơi đây vẫn bám trường dạy học. Các em học sinh cũng vượt khó, đi học đều”.

20 năm gắn bó với nghề tại “ốc đảo” ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), thầy Nguyễn Cao Cường xem Trường Tiểu học Thường Phước 1A là ngôi nhà thứ hai. Thầy đã lập gia đình, dựng nhà tại vùng ốc đảo này để gắn bó với việc dạy học. Thầy Cường tâm sự: “Đây là điểm lẻ của Trường Tiểu học Thường Phước, có 3 phòng dùng để dạy 5 lớp với hơn 40 học sinh. Do điểm lẻ không đủ học sinh nên buộc phải dạy lớp ghép, một góc lớp 1 học ghép vần thì bên kia lớp 3 phải dạy Toán.

Các em học sinh ở đây thiếu thốn đủ thứ, mình càng gắn bó thì càng thương các em. Có lúc trường muốn rút về điểm chính nhưng tôi không đồng ý. Hơn nữa, ở trong này lâu ngày rồi được người dân quý mến nên mình gắn bó và muốn ở lại gắn bó cùng bà con”.

Học sinh ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vượt cầu khỉ đến trường. Ảnh: H. Vũ
 Học sinh ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vượt cầu khỉ đến trường. Ảnh: H. Vũ

Còn huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), ngoài tiếp nhận học sinh địa phương, các trường trên địa bàn còn nhận học sinh là con em Việt kiều sinh sống ở Campuchia về học. Huyện An Phú tiếp giáp với xã Prẹc Chạy (Campuchia) và được ngăn cách bởi con sông Bình Di. Mỗi năm, có hàng trăm học sinh “vượt biên”, vượt lũ từ Campuchia về học tiếng Việt.

Để tạo điều kiện cho các em đến trường, huyện An Phú cùng địa phương phía Campuchia tổ chức nhiều chuyến đò đưa đón học sinh. Những chuyến đò xuyên biên giới đều miễn phí, giúp con em Việt kiều yên tâm trở về quê hương học tập.

Theo thầy Thái Kim Khải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú:“Với đặc thù là huyện đầu nguồn, bị ảnh hưởng bởi mùa lũ nên địa phương chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường trong mùa lũ. Hàng năm, huyện bố trí kinh phí cùng với nguồn xã hội hóa để tổ chức đưa đón học sinh đến trường từ các địa bàn bị ảnh hưởng…

Để bảo đảm an toàn, Phòng GD&ĐT huyện thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão và yêu cầu các trường thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão tại đơn vị, đồng thời xây dựng kế hoạch đưa đón học sinh trong mùa lũ. Các đơn vị đều chung tay nhằm tạo điều kiện cho học sinh đến trường, nhất là các em đi học bằng đò, phà hoặc học sinh sống trong vùng bị lũ chia cắt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ