Những đóa hoa thầm lặng

GD&TĐ - Với chủ đề “Thầm lặng”, Chương trình “Thay lời tri ân” mới đây đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Đó không chỉ là những giọt nước mắt của sự đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn và nỗi niềm riêng của các nhà giáo mà còn là sự trân trọng, tự hào về những hy sinh, cống hiến thầm lặng của các thầy, cô cho sự nghiệp “trồng người”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đến với chương trình, mỗi nhà giáo là một câu chuyện đầy xúc động về nghị lực vượt khó và miệt mài “gieo chữ” trên mọi miền của Tổ quốc. Đó là cô giáo Khoàng Hà Pơ dứt ruột xa con khi bé vừa mới tròn 6 tháng tuổi để đến cắm bản, nguyện “cõng chữ lên non”. Nơi cô dạy học là điểm trường Huổi Lính, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao xã Nậm Chà (Nậm Nhùn, Lai Châu).

Ở nơi ấy chỉ có 18 nóc nhà người dân tộc sinh sống. Cô kể, một năm, số lần cô về thăm con đếm trên đầu ngón tay. Xa mẹ lâu ngày, đứa con bé bỏng của cô không còn nhận ra mẹ; đến khi mẹ con vừa “quen hơi, bén tiếng” cũng là lúc cô phải lên đường để tiếp tục hành trình “gieo chữ” nơi vùng khó. Câu chuyện của cô Hà Pơ đã khiến cả trường quay rưng rưng nước mắt, cảm phục về nghị lực phi thường và những hy sinh thầm lặng mà cô đã dành cho giáo dục vùng khó.

PGS.TS Trần Văn Ơn - Trưởng Bộ môn Thực vật học (Trường Đại học Dược Hà Nội) là người Sán Chay đầu tiên với những cống hiến khoa học có tiếng vang lớn. Suốt hàng chục năm gắn bó với dược liệu, PGS Trần Văn Ơn luôn trăn trở với suy nghĩ tại sao người dân tộc vẫn nghèo dù họ sở hữu “mỏ vàng” lộ thiên như thế.

Những chia sẻ rất đỗi chân thành của PGS Trần Văn Ơn, rằng: “Cuộc đời tôi là một đường thẳng tắp, tất cả công việc tôi làm đều xoay quanh với cỏ cây dược liệu. Đó không đơn thuần là tình yêu mà còn là cả trách nhiệm, sứ mệnh của tôi. Chừng nào còn sống, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm những công việc thế này” - đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả ở trường quay.

Đó còn là những câu chuyện buồn về những hy sinh, mất mát của các nữ nhà giáo, hay là những tình huống “có một không hai” mà chỉ xảy ra với những thầy, cô giáo nơi vùng khó. Những tình huống mà các thầy cô vẫn nói vui với nhau rằng, đó là “đặc sản” của giáo viên “cắm bản”. Đó còn là những giáo viên gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên mà tên của họ, sự hy sinh của họ đã được lưu truyền như huyền thoại với bà con dân bản.

Những câu chuyện, những tình huống đến từ những con người khác nhau và xuất phát từ các hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một điểm là lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi phát biểu tại Chương trình “Thay lời tri ân” 2019: Mỗi một câu chuyện khác nhau nhưng đều mang tới một hình ảnh, đó là, rất nhiều thầy giáo, cô giáo, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trên số phận, vượt lên trên chính mình, tất cả vì học sinh thân yêu.

Khó có thể nói hết bằng lời về những cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo cho sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà; bởi còn có biết bao nhiêu thầy cô giáo nơi vùng cao đã lấy niềm vui của con trẻ làm động lực để vượt qua khó khăn, thiếu thốn và sự đơn độc giữa núi rừng. Chẳng thế mà, tại Chương trình “Thay lời tri ân” vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã xúc động khi biết rằng, còn rất nhiều nữa những thầy cô giáo từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao, đang đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, giản dị mà cao quý biết nhường nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ