Người đồng hành tin cậy

GD&TĐ - Hoạt động công đoàn chỉ thực chất khi được nhà giáo coi là người bạn đồng hành tin cậy...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Công đoàn là tổ chức không thể thiếu trong trường học với trọng trách đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục.

Với các nhà giáo, tổ chức công đoàn là địa chỉ tin cậy để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đóng góp ý kiến xây dựng… Đây cũng là nơi tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức, phát huy tính dân chủ, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của mỗi nhà trường.

Tổ chức công đoàn từ cơ sở đồng thời thực hiện chức năng phản hiện xã hội, tập hợp đề xuất của người lao động, để các quy định về chế độ, chính sách đối với người lao động trong toàn ngành bảo đảm tính thực tiễn, tạo động lực cho nhà giáo sáng tạo, tận tâm cống hiến.

Trong các chức năng của công đoàn, bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhà giáo, người lao động trong ngành có lẽ được chú trọng hơn cả. Nhiều năm nay, công đoàn giáo dục các cấp đã để lại dấu ấn to lớn trong đồng hành, hỗ trợ nhà giáo với “Cuộc vận động hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, quỹ “Vòng tay đồng nghiệp”…

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, vấn đề nổi cộm nhà giáo cần được hỗ trợ, tháo gỡ, bảo vệ là những khó khăn trong lao động nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới, những đòi hỏi và biến động của xã hội.

Nhiều nội dung được công đoàn giáo dục khởi xướng đã làm thay đổi rất lớn các mối quan hệ trong nhà trường, thay đổi cách tư duy và thúc đẩy sự vào cuộc của các tổ chức xã hội đầu tư cho trường học, ngành Giáo dục.

Có thể kể đến chương trình “Hỗ trợ nhà giáo nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ”, “Nhà giáo với chuyển đổi số trong giáo dục”, “Thầy cô thay đổi, Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, hay việc xây dựng “các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”…

Cùng với đó, danh dự, nhân phẩm nhà giáo cũng được tổ chức công đoàn đại diện đồng hành, bảo vệ mọi nơi, mọi lúc với phương châm không để nhà giáo đơn phương đối mặt với những thách thức, nguy cơ có thể xảy ra.

Chương trình Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT sẽ được tổ chức tới đây cũng là sáng kiến của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, giúp nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước được chia sẻ ý kiến, bày tỏ nguyện vọng tới người đứng đầu ngành Giáo dục.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động công đoàn trong cơ sở giáo dục còn không ít trăn trở. Ở nhiều trường học, vai trò của công đoàn với người lao động vẫn còn mờ nhạt. Có ý kiến cho rằng “công đoàn giống như bánh xe thứ 5” bởi hoạt động còn mang tính phong trào, hình thức, chưa thực chất.

Đội ngũ công đoàn cơ sở thiếu và yếu vì đa số là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn ít, chế độ đãi ngộ với cán bộ công đoàn rất thấp. Đặc biệt, công đoàn các trường học thuộc khối giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý của Liên đoàn Lao động các địa phương nên thiếu sự thống nhất, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gặp rào cản trong chỉ đạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như can thiệp tới những khó khăn của nhà giáo…

Từ trước đến nay, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn được coi là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Trong bối cảnh đổi mới, vấn đề đối với nhà giáo vốn nhiều thách thức, nay được nhân lên nhiều lần.

Vai trò, đóng góp của công đoàn giáo dục liên quan đến chế độ, chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo; chăm lo đời sống giáo viên; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động ngành Giáo dục càng được đặt ra mạnh mẽ và phải “đi tìm câu trả lời mới cho những vấn đề không mới”. Trong đó, làm sao kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động để có thể giải quyết vấn đề vướng mắc ngay từ đơn vị cơ sở, tránh tạo thành điểm nóng là vô cùng quan trọng.

Hoạt động công đoàn chỉ thực chất khi được nhà giáo coi là người bạn đồng hành tin cậy, nơi nhà giáo có thể giãi bày tâm tư, nguyện vọng và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ