Không ngừng lớn mạnh
Ngay từ khi mới thành lập, việc phát triển tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống của ngành được chú trọng, vừa phát triển vừa rút kinh nghiệm.
Với tinh thần hăng hái của một tổ chức mới ra đời, được đông đảo giáo giới cả nước hưởng ứng, tổ chức công đoàn giáo dục đã phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1952, tổng số đoàn viên đã lên tới 11.500 người.
Trong giai đoạn sau hòa bình lập lại, trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có bước phát triển rộng khắp, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở theo đơn vị huyện.
Tới năm 1957, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, tương ứng với hệ thống tổ chức của chuyên môn. Công đoàn Giáo dục huyện, phân đoàn giáo dục huyện được hình thành. Công đoàn trường học được xây dựng cùng với phát triển công đoàn giáo dục huyện.
Giai đoạn này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nghiên cứu, chỉ đạo hoạt động của công đoàn các trường đại học, trung học chuyên nghiệp; kí chỉ thị liên tịch với Bộ Giáo dục quy định mối quan hệ công tác giữa công đoàn và chuyên môn, về trách nhiệm của chuyên môn trong hỗ trợ hoạt động công đoàn, thời gian dành cho cán bộ công đoàn hoạt động.
Đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn trường học và tổ công đoàn, khắc phục tình trạng dàn đều, “đánh trống bỏ dùi” trong hoạt động công đoàn.
Sau hòa bình lập lại, để thực hiện chủ trương thống nhất nền giáo dục trong cả nước, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã hòa nhập Hội nhà giáo yêu nước miền Nam vào Công đoàn Giáo dục, tổ chức bầu Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục các cấp, thành lập công đoàn Đại học- Trung học chuyên nghiệp Việt Nam.
Đồng thời kiện toàn tổ chức Công đoàn Giáo dục các cấp và quán triệt công tác nữ trong hoạt động công đoàn, cải tiến phương pháp hoạt động, củng cố hệ thống tổ chức; tổng kết công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; đổi mới nội dung, củng cố công đoàn trường học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Đại hội VI của Đảng mở đầu cho thời kỳ đổi mới, động viên toàn dân khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là đổi mới tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động, phát huy quyền chủ động, sáng tạo của công đoàn trường học; tập hợp thêm công đoàn dạy nghề vào công đoàn Đại học - Trung học chuyên nghiệp; tổng kết rút kinh nghiệm, biên soạn và phát hành tài liệu bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Nâng cao bản lĩnh cán bộ
Cả nước thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992, Luật Công đoàn 1990 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đào tạo và tổ chức công đoàn.
Tổ chức công đoàn hợp nhất Công đoàn Giáo dục và công đoàn Đại học - Trung học chuyên nghiệp thành Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Năm 1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Hệ thống công đoàn Giáo dục được kiện toàn theo mô hình 4 cấp: Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố, Công đoàn Giáo dục cấp huyện và công đoàn cơ sở các trường học.
Trong giai đoạn này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đi sâu vào ngành nghề, hướng về cơ sở, sát đoàn viên và nâng cao bản lĩnh cán bộ công đoàn, mở rộng quan hệ quốc tế.
Những năm sau đổi mới, với mục tiêu vận động, tổ chức đoàn viên tham gia các phong trào thi đua, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chủ trương chống bệnh quan liêu, hành chính hóa hoạt động, đổi mới phương pháp bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ, khẳng định vị trí của Công đoàn Giáo dục trong hệ thống công đoàn Việt Nam.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kí quy chế phối hợp với Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố chỉ đạo hoạt động công đoàn khối giáo dục phổ thông; hướng dẫn xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp. Hoạt động công đoàn hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nhiều phong trào thi đua được phát động như “Dạy tốt - Học tốt” với trọng tâm là thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”"; phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều cách làm mới của công đoàn giáo dục các cấp...
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” tiếp tục có hiệu quả, góp phần nâng cao kỷ cương, nề nếp các đơn vị, trường học và trách nhiệm đối với mỗi cán bộ nhà giáo, người lao động.
Công tác bồi dưỡng lý luận, kĩ năng công tác cho cán bộ công đoàn các cấp được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng công tác của Cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hoạt động của công đoàn cơ sở được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, linh hoạt và sáng tạo.