Đưa loài cây bỏ đi thành đồ thủ công mỹ nghệ
Trước kia, Minh Phú là xã thuần nông, cây bèo tây từng bị ví như “giặc cỏ” mặt nước, mùa lũ lụt xã có nhiệm vụ vớt bỏ bèo để khơi thông dòng chảy. Người đi vớt bỏ bèo được tính công, vài cân thóc hoặc vài nghìn đồng/m2.
Công việc vớt bèo bỏ đi năm nào cũng diễn ra. Chỉ đến khi vợ chồng anh Nguyễn Trường Giang, thôn Thọ Trung đã đưa nghề đan bèo tây về Minh Phú, vừa làm giàu cho gia đình, vừa giúp người dân trong xã thoát nghèo.
Qua bàn tay khéo léo, bèo tây đã trở thành các món đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo như: Giá treo tường, đệm lót bàn ghế, giỏ đựng hoa quả, giá sách báo, đôn kê, chậu cảnh, thảm chùi chân, lẵng hoa, túi du lịch, ghế ngồi…
Anh Giang cho biết, năm 2006, sau thời gian làm thuê ở Tiền Giang, thấy người dân ở đây cũng chỉ làm ruộng mà kinh tế khấm khá nhờ nghề đan lát thủ công mỹ nghệ từ bèo khô. Nhận thấy tiềm năng bèo tây ở quê nhà, anh quyết định về quê hương và khởi nghiệp từ đó.
Bèo tây được lấy phần thân, sau đó phơi khô. |
Thời gian đầu, gia đình anh chỉ có ít lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và xuất bán sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào một doanh nghiệp ở TP Thái Bình.
Sau vài năm phát triển nghề, để mở rộng sản xuất, vợ chồng anh đã tìm thêm được nguồn nguyên liệu ổn định từ miền Tây Nam Bộ và khung hộp dùng để đan sản phẩm được mua từ Ninh Bình.
Tìm được nguồn cung nguyên liệu đầu vào giá rẻ, đảm bảo được chất lượng, gia đình anh đã chủ động được trong mọi khâu để mở rộng sản xuất. Tất cả những ai muốn học và làm nghề, đều được anh chị tận tình hướng dẫn và cung cấp nguyên liệu.
Đến nay, cơ sở của gia đình anh Giang đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động ở trong và ngoài xã.
Đưa sản phẩm ra nước ngoài
Với 12 đầu mối đan bèo tây rải rác khắp trong tỉnh, mỗi tháng, gia đình anh Giang xuất 6 container hàng với hàng vạn sản phẩm chất lượng sang các nước châu Âu, Nhật Bản, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Theo anh Giang, nghề thủ công không bị mai một khi mẫu mã, chất lượng sản phẩm luôn được cải tiến, đổi mới. Đặc biệt, thị trường châu Âu rất ưa chuộng các sản phẩm thủ công được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường như bèo tây.
Anh Giang cho biết, dù phải trải qua nhiều công đoạn như phân loại bèo tây khô, vệ sinh, cuốn khung, đan hộp, nhúng keo, phơi hoặc sấy, nhưng nghề đan bèo tây nhẹ nhàng, vừa làm việc nhà mà vẫn đan được.
Người muốn làm nghề đan bèo tây chỉ cần học vài ngày là có thể làm được. Do vậy có rất nhiều lao động tại địa phương và các vùng lân cận tìm đến cơ sở của anh để nhận về nhà làm.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ bèo tây. |
Bà Nguyễn Thị Việt, thôn Thọ Nam, xã Minh Phú cho biết, ngoài thời gian mùa vụ đều tham gia đan hộp xuất khẩu. Dù đan tranh thủ nhưng mỗi tháng hai vợ chồng vẫn có thêm 2,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Tương tự, bà Trần Thị Dịu, thôn Thọ Nam, xã Minh Phú cho biết, hai vợ chồng làm nghề đan bèo tây đã được 12 năm. Ngoài việc đồng áng thì rảnh lúc nào là tranh thủ đan lúc đó, mỗi ngày cho thu nhập ổn định 100.000 - 120.000 đồng.
Nhận thấy mô hình đan bèo tây xuất khẩu tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, anh Giang đã liên kết với Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Minh Phú triển khai mô hình với toàn bộ chị em trong xã có nhu cầu.
Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Phú cho biết, trước nhu cầu thực tế của chị em, Hội LHPN xã đã quyết định thành lập mô hình đan bèo tây xuất khẩu tại Chi hội Phụ nữ thôn Thọ Nam.
Sau một thời gian ra mắt, mô hình được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của hội viên và nhân dân.
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, về Minh Phú bây giờ, thấy nhà nhà phơi bèo, khắp nơi trên các bờ mương, con đường, sân đình, sân nhà nơi đâu cũng có bèo. Người dân sau mỗi vụ mùa không còn phải bỏ làng lên phố làm thuê nữa.
“Nghề đan bèo tây xuất khẩu đã phát huy được lợi thế. Thời gian tới địa phương sẽ tạo điều kiện mở rộng các mô hình sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó giúp nhiều người dân có thêm việc làm và tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Tuấn nói.