Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa
Đồng Văn là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của Hà Giang. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Tày, Nùng,….Điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi đá, thiếu nguồn nước và đất canh tác nông nghiệp.
Vì vậy, để giúp người dân giảm nghèo bền vững, huyện Đồng Văn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện Đồng Văn đã tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, chủ yếu là lợn, bò, dê…giúp người dân phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, huyện Đồng Văn đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa bằng việc hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn để mua giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, hỗ trợ các loại vaccine tiêm phòng khi dịch bệnh xảy ra.
Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Đồng Văn có 9.251 hộ gia đình được vay vốn theo chính sách ưu đãi của Chính phủ với tổng số tiền là 373.885 triệu đồng (trong đó số hộ nghèo được vay là 4.757 hộ với số tiền là 171.290 triệu đồng). Nhờ sự hỗ trợ kinh phí của huyện Đồng Văn, nhiều hộ dân trên địa đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi lợn đã giúp gia đình ông Vàng Mí Lử, thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn vươn lên thoát nghèo. |
Có thể kể đến hộ gia đình ông Vàng Mí Lử, thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Trước kia, gia đình ông thuộc hộ nghèo của xã, nhờ được huyện hỗ trợ về kinh phí mua giống gia súc, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng… Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo và có nguồn tích lũy để mở rộng chăn nuôi. Hiện tại, đàn lợn của gia đình ông có trên 30 con, đem lại nguồn thu từ 80 triệu đồng mỗi năm. Dự kiến, gia đình ông Lử sẽ tiếp tục mở rộng đàn lợn của mình lên đến 100 con.
Bên cạnh đó, nhận thấy phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong những năm qua, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn và người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, nhằm nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê và lợn đen tại các địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi nổi bật với mục tiêu đưa đàn trâu, bò của huyện lên hơn 27.000 con, 17.000 con lợn đen, 19.500 con dê với giá trị từ chăn nuôi gia súc đạt trên 28,5 tỷ đồng mỗi năm, chiếm trên 34,2% tổng giá trị trong ngành nông nghiệp của huyện.
Thực tế cho thấy, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ nông dân của huyện Đồng Văn đã tận dụng các nguồn đất bỏ hoang và chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Từ đó đã tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân trong huyện.
Ngoài ra, nhằm thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi hàng hóa, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và người dân chọn lọc nhân giống gia súc, đào thải các con giống thoái hóa, kém chất lượng, ưu tiên chọn các loại giống gia súc địa phương đã thích nghi với các điều kiện thời tiết khí hậu.
Kiên cố hệ thống chuồng trại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, nhất là công tác vệ sinh chuồng trại, cách phòng trừ dịch bệnh, tận dụng diện tích vườn đồi, đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi…
Mô hình chăn nuôi bò của hộ gia đình ông Vừ Xè Sính, thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. |
Thoát nghèo nhờ hướng đi đúng
Năm 2023, gia đình ông Vừ Xè Sính, thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn đã được hỗ trợ 15 triệu đồng. Từ số tiền được hỗ trợ, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò vỗ béo, cải tạo chuồng trại, trồng cỏ. Từ nguồn thu nhập nhờ chăn nuôi bò, cùng với các nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên thuộc hộ trung bình của thôn.
Theo ông Vừ Mí Chơ, trưởng thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn cho biết: “Thôn Lao Xa hiện nay có 117 hộ dân với 600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, đã có hơn 60 hộ dân trong thôn được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển đàn gia súc, từng bước phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững”.
Trong định hướng phát triển chăn nuôi những năm tiếp theo, huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô gia trại, trang trại trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc cho người dân. Phấn đấu nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá gắn với trồng cỏ ở huyện Đồng Văn là một định hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp huyện Đồng Văn đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn tới.