Người chơi bị gãy lưng và cổ, tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới phải đóng cửa

GD&TĐ - Do-Dodonpa, tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới, đã tạm thời đóng cửa do khiến người chơi bị gãy lưng và cổ trong 9 tháng qua.

Nằm trong Công viên Fuji-Q, ở Fujiyoshida, Nhật Bản, tàu lượn siêu tốc Do-Dodonpa đã hoạt động từ năm 2001, mang đến cho người đi trải nghiệm tràn đầy thú vị. 

Đặc biệt vào năm 2017, các quan chức tại Công viên Fuji-Q đã quyết định làm cho chuyến đi tàu lượn siêu tốc trở nên thú vị hơn bằng cách tăng gia tốc tối đa từ 172km lên 180km một giờ. 

Ngoài ra, Do-Dodonpa còn nổi tiếng với khả năng tăng tốc từ 0 đến 180km (112 dặm) mỗi giờ chỉ trong 1,56 giây, điều này khiến nó trở thành tàu lượn siêu tốc có tốc độ nhanh nhất thế giới. 

Mặc dù có tốc độ “tên lửa” nhưng Do-Dodonpa chưa từng khiến du khách bị chấn thương. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm ngoái, một số người đã bị gãy xương khi chơi tàu lượn siêu tốc, sau đó giới chức đã ghi nhận 6 trường hợp chấn thương, 4 người trong đó bị gãy xương cột sống và gãy cổ.

Vào tháng 8, Công viên Fuji-Q đã quyết định tạm dừng hoạt động tàu lượn và điều tra xem chuyện gì đang xảy ra. Thật không may, họ không đưa ra lời giải thích nào. 

Người chơi bị gãy lưng và cổ, tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới phải đóng cửa ảnh 1
Do-Dodonpa là tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới.

Do-Dodonpa là tàu lượn siêu tốc nhanh nhất thế giới.

Sansei Technologies, công ty sản xuất tàu lượn đã xin lỗi những người bị thương, nhưng cũng không thể giải thích điều gì đã gây ra thương tích.

Naoya Miyasato, Giáo sư kiến trúc tại Đại học Nihon, người nghiên cứu thiết kế tàu lượn siêu tốc, gần đây cho biết ông chưa từng biết về trường hợp nào bị gãy xương do đi tàu lượn siêu tốc cho đến tháng 12 năm ngoái, vì “các thiết kế tàu lượn đều phải tuân theo các tiêu chuẩn được chính phủ phê duyệt”.

Ông Miyasato không thể đưa ra lời giải thích tại sao những người này bị gãy xương, nhưng ông suy đoán rằng chấn thương có thể liên quan đến gia tốc siêu nhanh của tàu lượn, với mức đạt đỉnh gấp 3 lần lực hấp dẫn và có thể so sánh với lực gia tốc mà các phi hành gia đã trải qua khi phóng tên lửa.

Tuy nhiên, điều đó không giải thích được tại sao cũng với lực tương tự, nhưng trước tháng 12 năm ngoái, công viên không ghi nhận trường hợp chấn thương nào.

Giả thuyết thứ hai mà Giáo sư Miyasato đưa ra là vị trí của người chơi trên các chuyến tàu cũng có thể là nguyên nhân gây chấn thương cho họ.

Do-Dodonpa yêu cầu người chơi dựa lưng sát vào ghế và đeo đai an toàn qua vai, để càng ít khoảng trống giữa lưng và tựa lưng càng tốt. 

Tuy nhiên, theo tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản, một trong những người chơi thừa nhận rằng họ có thể đã nghiêng người về phía trước trong quá trình tham gia trò chơi.

“Nếu không phát hiện ra mối lo ngại kỹ thuật nghiêm trọng nào trên thực tế, thì đó có thể là do cách mọi người ngồi khi chơi tàu lượn siêu tốc. Nhưng nếu một người ngồi không đúng cách, chẳng hạn như có khoảng trống giữa lưng và tựa lưng, nhân viên công viên phải có trách nhiệm kiểm tra vị trí chỗ ngồi của họ”, ông Naoya Miyasato nói.

Trong cuộc điều tra ban đầu, giới chức vẫn chưa phát hiện ra vấn đề kỹ thuật nào. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh cho biết họ vẫn sẽ đình chỉ sự hoạt động của tàu lượn cho đến khi xác định được nguyên nhân và sẽ tìm cách ngăn chặn những sự cố tương tự.

Điều đặc biệt là số liệu thống kê từ Hiệp hội Công viên Giải trí và Điểm du lịch Quốc tế cho thấy khả năng bị chấn thương nghiêm trọng khi chơi tàu lượn siêu tốc chỉ ở khoảng 1/15,5 triệu người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ