Trào lưu “đắng lòng” - cách gây cười quá lố!

Trong xã hội kết nối mạnh mẽ như hiện nay, đã không ít lần chúng ta đề cập đến cách dùng từ ngữ của giới trẻ.

Trào lưu “đắng lòng” - cách gây cười quá lố!

Bề nổi, có vẻ như không gây phương hại gì, thậm chí còn nhận được phản ứng tích cực từ phía người nghe, nhưng nó sẽ làm mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt mà bấy lâu nay chúng ta gìn giữ.

Nếu như trước đó, giới trẻ “phát cuồng” với những từ: “vãi”, “có một sự thích nhẹ”, “có một nỗi buồn không hề nhẹ”, “chuẩn cmnr”... thì có vẻ như thời gian gần đây, những từ lóng đó nhường chỗ cho trào lưu “đắng lòng”.

Theo cách hiểu thông thường, “đắng lòng” là cụm từ chỉ dùng khi thể hiện trạng thái, cảm xúc quá đau buồn, cay đắng trong hoàn cảnh trớ trêu nhưng hiện nay, “đắng lòng” được các bạn trẻ đua nhau sử dụng như “mốt”, để bình luận gây cười vô tội vạ ở bất kỳ trường hợp nào.

Bạn H.A, 16 tuổi cho rằng: “Đắng lòng” nghĩa là chán đời!

Bạn T.P - Học sinh THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bám vào từ ngữ hơn nên hiểu nghĩa của từ này là “buồn đến mức nghẹn lòng”, có người lại cho rằng “từ đắng lòng đồng nghĩa với cay đắng và được sử dụng trong phong cách báo chí”.

Không chỉ dừng lại trong việc chia sẻ cảm xúc trên các trang mạng xã hội, những từ lóng còn len lỏi trong cuộc sống thường nhật khi được các bạn trẻ mang ra đối đáp, trò chuyện để thể hiện cá tính và khẳng định bản thân mình hợp thời.

Kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt vỗn dĩ rất phong phú và đang được làm giàu lên từng ngày. Một từ có thể ban đầu mang nghĩa này nhưng trong quá trình vận động của đời sống, của văn cảnh và đặc biệt trong những trào lưu ngôn ngữ, chúng lại được sử dụng tự do, linh hoạt, sinh động hơn. 

Một mặt, sẽ làm phong phú thêm vốn từ ngữ, nhưng mặt khác, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi, phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt khi sử dụng một cách tùy tiện, vô tội vạ, quan trọng hơn nó vô tình ảnh hưởng đến môi trường xã hội và hành vi giao tiếp giữa con người với nhau, giữa bố mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa gia đình với một cá thể độc lập sẽ bị lai tạp và có những ngôn ngữ lệch chuẩn.

Đơn cử như trong trường hợp này, khi các bạn treo status “đắng lòng” để câu like, câu view, hay mang ra trong các cuộc trò chuyện để pha trò, gây cười, thì trong trường hợp, hoàn cảnh thực sự đáng được chia sẻ, các bạn có đủ xúc cảm để rung động nữa hay không?

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giới trẻ bị loạn ngôn ngữ trong cách giao tiếp hàng ngày, đó chính là hệ quả của việc tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ Internet, các ngôn ngữ quảng cáo tràn lan trên truyền hình mà không có sự kiểm duyệt gắt gao. 

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy sự bắt nhịp với ngôn ngữ mới mẻ, ý thức của mỗi bạn trẻ khi biết là sai nhưng vẫn cố theo kịp trào lưu để mình không lạc hậu trước thời đại, hoặc không phân biệt được tốt hay xấu.

Nghĩ và nói là quyền của tất cả mọi người, nhưng làm sao để các bạn trẻ - đối tượng đang được đặt nhiều hy vọng của sự sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực, trong sáng mới là điều tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự phối hợp giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội để định hướng người trẻ sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp, có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phát triển nó một cách lành mạnh, qua đó hình thành lối sống tích cực cho giới trẻ. 

Theo phapluatxahoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ