Ngôi nhà trí tuệ nhân tạo của đôi bạn lớp 12

Thầy Lê Phong Dũ - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm tỉnh Trà Vinh (phải) cùng em Diệp Phước Trung (giữa) và Cao Tuấn Đạt (trái) vui mừng bên “Giải pháp nhà thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”
Thầy Lê Phong Dũ - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm tỉnh Trà Vinh (phải) cùng em Diệp Phước Trung (giữa) và Cao Tuấn Đạt (trái) vui mừng bên “Giải pháp nhà thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo”

Thử sức với lĩnh vực khó

Với trái tim trẻ cùng nhiệt huyết tạo ra giá trị cho cộng đồng, Phước Trung và Tuấn Đạt không ngần ngại bước sang lĩnh vực khó, đó là trí tuệ nhân tạo (AI). Bằng niềm đam mê và nỗ lực bản thân, Phước Trung và Tuấn Đạt đã sáng tạo ra giải pháp nhà thông minh và chính các em cũng bất ngờ, xúc động khi công sức của mình đã thu được kết quả.

Cao Tuấn Đạt cho biết: “Em rất muốn mang đến không gian thông minh cho ngôi nhà tương lai, vì hiện nay để sở hữu căn nhà thông minh tốn rất nhiều tiền và không phải ai cũng đủ điều kiện hiện thực nhu cầu này.” Mục tiêu chính mà dự án hướng tới là phát triển khả năng xử lý và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo được xây dựng và phát triển trên Amazon Platform (nền tảng trí tuệ nhân tạo Alexa của Amazon). Tức là nền tảng này đóng vai trò là công cụ hỗ trợ. Qua đó, hai em đã tạo ra một trợ lý ảo có khả năng xử lý các tác vụ do người dùng yêu cầu và ứng dụng trong việc điều khiển ngôi nhà thông minh.

Nhờ vốn tiếng Anh khá tốt, Phước Trung đã miệt mài tìm hiểu cách thức tạo ra mô hình từ lập trình đến lắp đặt. Tất cả thông tin em cần cho dự án đều có thể tự tìm lấy, cái nào không rõ thì hỏi anh em đi trước trên các diễn đàn của lập trình viên. Vừa làm vừa trau dồi kiến thức cho bản thân, Phước Trung lạc quan cho biết: “Vừa nghiên cứu đề tài, vừa học cái mình chưa biết em xem đây là điều tuyệt vời mà không phải ai cũng được trải nghiệm”.

Theo Phước Trung và Tuấn Đạt, giải pháp này mang đến một trợ lý ảo cho ngôi nhà, sử dụng qua 3 cơ chế giao tiếp: Giao tiếp trực tiếp với trợ lý ảo (bộ xử lý đặt tại trung tâm ngôi nhà) để tương tác và ra lệnh; sử dụng App trên di động để giao tiếp từ xa với trợ lý ảo (trong trường hợp người dùng xa nhà) và cuối cùng là giao tiếp thông qua cảm ứng tay trên một màn hình lớn có gắn gương hai chiều được gọi là gương thông minh (nơi đây cung cấp thông số vận hành của ngôi nhà, các tính năng điều khiển bằng tay. Tất cả điều đó, chúng ta sẽ có được một tiện ích lớn khi quản lý không gian sinh hoạt, học tập… tại nhà duy chỉ bằng giọng nói).

Ngôi nhà thông minh, kiêm trợ lý ảo cho gia chủ

Ngôi nhà thông minh được hiểu là kiểu nhà được lắp đặt các thiết bị điện, điện tử có thể điều khiển được. Tự động hoặc bán tự động nhằm thay thế con người thực hiện chức năng đem đến sự tiện nghi cao nhất có thể. Những câu hỏi thường ngày (sức khỏe, thời tiết, thông tin, dịch thuật…) được trả lời nhanh chóng và trợ lý ảo còn có thể chơi những bản nhạc mà chủ nhà yêu thích. Không những thế, trợ lý ảo cung cấp chức năng hẹn giờ bật tắt các thiết bị tự động, cài đặt lịch trình cụ thể cho thiết bị tự động hoạt động.

Ngoài ra, chức năng bật/tắt thiết bị điện còn có thể sử dụng thông qua App trong trường hợp người dùng ở xa nhà hay đang trên đường về nhà. Các cảm biến được lắp đặt xung quanh nhà sẽ biết được độ ẩm, nhiệt độ, chất lượng không khí, khí gas và những bất thường khác… nhờ đó có thể cảnh báo người dùng khi có trộm, cháy nổ… vì vậy mức độ an toàn của ngôi nhà được đẩy lên cao nhất.

Đó chính là một ngôi nhà biết “nghĩ suy”, bởi nhà thông minh theo Phước Trung là “nó không hoạt động theo điều kiện đơn thuần, không chỉ hoạt động theo điều kiện gán sẵn mà còn tự học trong quá trình vận hành, những thông tin tiếp nhận sẽ được làm giàu hơn nhờ thu thập thói quen của người dùng. Ví dụ nếu 10 ngày liên tục, chủ nhà đều bắt đèn vào lúc 7 giờ tối thì “trợ lý” sẽ tự biết mà bật đèn lúc 7 giờ tối vào ngày thứ 11”. Như vậy, nếu sử dụng càng lâu thì ngôi nhà này sẽ càng “thông minh” hơn và “hiểu” gia chủ hơn.

Để tạo ra giải pháp nhà thông minh, Phước Trung và Tuấn Đạt đã chia nhau giải quyết “bài toán” về phần cứng và phần mềm trong đó có thiết kế mạch, lập trình... Từ tìm tòi những nguyên liệu để tạo ra “đứa con tinh thần” và cung cấp “bộ não” cho nó, hai em đã nắm bắt được nguyên lý vận hành của ngôi nhà cũng như là các nhu cầu của người dùng.

Nhờ những cố gắng không ngừng, Phước Trung và Tuấn Đạt đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp tỉnh và đoạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp quốc gia. Thầy Lê Phong Dũ - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm tỉnh Trà Vinh cho biết: “Với tư cách người hướng dẫn, tôi đã định hướng giúp các em khám phá năng lực của bản thân, tôi rất vui vì chính các em đã vượt qua giới hạn của bản thân và mang lại giá trị cho cộng đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.