Doanh nghiệp Nhật “săn” nhân lực IT từ đại học Việt Nam

GD&TĐ - Sáng nay (11/5), hơn 20 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của Nhật Bản đã có buổi tiếp cận sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, trao đổi với mong muốn tìm nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu cho thị trường lao động Nhật Bản.  

Doanh nghiệp Nhật “săn” nhân lực IT từ đại học Việt Nam

Tại đây, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và doanh nghiệp đã cùng tổ chức Hội thảo “Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường Nhật Bản” để nghe và ghi nhận khả năng đáp ứng của lao động Việt Nam, đồng thời cũng để các bạn trẻ biết về những yêu cầu của doanh nghiệp Nhật.

Sự kiện đã thu hút hơn 400 sinh viên đến từ nhiều trường đại học tham dự.

Hội thảo “Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường Nhật Bản”.
Hội thảo “Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường Nhật Bản”. 

Cơ hội rất lớn

Tại Hội thảo, các thông tin được đưa ra không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản “khát” nhân lực CNTT, mà ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ, giải pháp, phần mềm cho Nhật Bản cũng cần một lượng lớn nhân lực CNTT.

Đây đều là những thông tin cụ thể về cơ hội việc làm, cùng những yêu cầu khắt khe đối với nhân lực CNTT tại thị trường Nhật Bản.

Doanh nghiệp và sinh viên đã cùng trao đổi về các định hướng công nghệ, tiêu chí nhân sự IT và những sự chuẩn bị cần thiết để bước vào thị trường sôi động, hấp dẫn và không kém phần thách thức này.

GS.TS. Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên: Nhu cầu của thị trường sẽ giúp chúng tôi kiến tạo các chương trình đào tạo  nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được công việc ngay sau khi ra trường. Việc gắn kết nhà trường với thị trường lao động là định hướng lâu dài của Trường ĐHKHTN. Không chỉ trong lĩnh vực CNTT, nhân lực các lĩnh vực Hóa học, Khoa học vật liệu, Sinh học, Môi trường,…cũng đang rất cần. Nhà trường sẽ có những Hội thảo nhu cầu nhân lực  để định hướng đào tạo tốt hơn trong thời gian tới.

Ông Shizuya Yamada đến từ Công ty Cổ phẩn Chainos Solution, chia sẻ: “Trước đây, chỉ cần kĩ năng lập trình là có thể làm việc với công ty của Nhật. Tuy nhiên, các công nghệ mới đang ngày càng phổ biến. Đồng thời, Nhật đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, dự đoán thiếu khoảng 50.000 nhân lực chất lượng cao và khoảng 400.000 người toàn ngành CNTT.

Chúng tôi rất cần những bạn trẻ có thể sử dụng công nghệ mới để sáng tạo các business mới vì điều này rất cần thiết”.

Ông Lã Tiến Thành đến từ FPT Software - người có hơn 14 năm kinh nghiệm làm việc với thị trường Nhật Bản cho biết, 4 lĩnh vực chính mà FPT Software tập trung nghiên cứu phát triển là Data Analytics, IoT, AI và Security.

“Cơ hội dành cho các em là vô tận tại thị trường Nhật Bản, nhất là những bạn biết tiếng Nhật, vững kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc nghiêm túc. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy tích lũy kiến thức nền tảng đang được học tại trường, đây là nền tảng rất bền vững giúp các em phát huy tối đa năng lực của mình trong tương lai”, ông Lã Tiến Thành cho biết.

Năng lực đến đâu? 

TS. Trần Mạnh Cường, Trưởng Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đơn vị đào tạo nhân lực CNTT của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Thị trường Nhật Bản là một thị trường hấp dẫn song cũng đầy thách thức cho sinh viên ngành CNTT.

Hội thảo là cơ hội tốt để sinh viên và Nhà trường biết được cần phải chuẩn bị những gì để đáp ứng và cạnh tranh tốt trong thị trường này. Cũng trong Hội thảo này nhiều hợp tác trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT giữa Nhà trường và doanh nghiệp đã được ký kết".

TS Nguyễn Tuấn Đức - Trưởng đại diện Alt Việt Nam, cho rằng: Sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có nền tảng Toán học và Xác suất thống kê tốt, chính là điều kiện thuận lợi để theo đuổi lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.

Phân tích và chỉ ra những điểm mà doanh nghiệp Nhật cần, nhưng lại thiếu ngồn, ông Phạm Quang Huy - Công ty Cổ phần Aimesoft, cho rằng: Thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực CNTT. Do Nhật Bản đang thiếu lao động nên đặt ra nhiều bài toán về tự động hoá, học máy, AI hay và thú vị. Tuy nhiên đây cũng là một thị trường vô cùng khó tính, đòi hỏi sự tỉ mỉ, thông minh.

“Nếu các bạn yêu thích làm việc với sự cẩn thận, tỉ mỉ và muốn tìm tòi giải quyết các bài toán hay và khó thì hãy cùng chúng tôi bắt đầu ngay hôm nay với thị trường CNTT Nhật Bản!”, đại diện Công ty Cổ phần Aimesoft nhấn mạnh.

Nhiều quan điểm cho rằng, để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, việc tuyển sinh có giới hạn số lượng vừa đủ; nâng cao chất lượng đầu vào; chú trọng chất lượng đào tạo, thực hành, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập thực tế từ sớm, tham gia nghiên cứu cùng thầy cô giải quyết các bài toán do doanh nghiệp đặt hàng;

Tăng cường kết nối với doanh nghiệp và chặt chẽ đầu ra là những giải pháp được Khoa Toán - Cơ - Tin học sử dụng để mỗi cử nhân ra trường có thể tự tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, kựcông chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, nhất là thị trường có yêu cầu lẫn nhu cầu cao như Nhật Bản.

Năm 2018, tại Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) lần thứ 12, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, dự báo đến năm 2020, Nhật Bản sẽ thiếu 369.000 kỹ sư CNTT. Con số này có thể tăng lên mức 789.000 vào năm 2030.

Theo METI, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên, nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT), Công nghệ Robot (Robotics), xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.