Nhiều “vườn ươm” cho khởi nghiệp thông minh

GD&TĐ - Ở thời điểm hiện tại, TP.HCM đang có rất nhiều vườn ươm và cuộc thi hỗ trợ khởi nghiệp thông minh nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, hiệp hội, trường ĐH, cơ quan Nhà nước, quỹ đầu tư…

Hoạt động của một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM.
Hoạt động của một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM.

Sân chơi lớn

Các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ ươm tạo khởi nghiêp tại TPHCM như HIN, SHTPiC, AHBI, BSSC, ITP, HCMUT-TPI, SIHUB… đã hỗ trợ tích cực hoạt động khởi nghiệp xoay quanh chủ đề Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT) tại Việt Nam.

Không chỉ kêu gọi và tìm kiếm nguồn vốn lên đến hàng chục ngàn USD cho một startup, các vườn ươm còn xây dựng nhiều khóa huấn luyện, chia sẻ giải pháp khởi nghiệp và tạo điều kiện kết nối startup với doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Qua đó, nâng cao trình độ nhận thức, khơi nguồn sáng tạo và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển cũng như tìm kiếm các nhân tố đột phá, các ý tưởng mới, giải pháp có tính sáng tạo và khả thi cao phục vụ cho sự phát triển của TPHCM và đất nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp ứng dụng đặc biệt là với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT), vốn dĩ là xu hướng công nghệ đang dẫn đắt và tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Ngoài tìm kiếm những ý tưởng mới, các cuộc thi khởi nghiệp như AIoT & Smart Cities, WISE, Vietnam Startup Wheeel, CiC còn hướng đến giải quyết các bài toán cụ thể của từng doanh nghiệp.

Các tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu cải tiến, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm hay muốn tối ưu hóa khai thác tài nguyên dữ liệu, gia tăng khả năng tiếp thị/ quảng bá/ chăm sóc khách hàng… đều có thể đưa ra những chủ đề đặt hàng để tìm hướng giải quyết tốt nhất.

Trong nỗ lực kiến tạo khởi nghiệp, Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung (gọi tắt là QTSC Incubator) do Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung và Hội Tin học TPHCM đồng thành lập và đi vào hoạt động năm 2008, đã trở thành mũi nhọn ươm tạo doanh nghiệp đầu tiên của cả nước, hoạt động dưới sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cộng đồng châu Âu và Chính phủ Việt Nam.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, QTSC Incubator hướng đến mục tiêu sẽ trở thành vườn ươm công nghệ cao với chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới cho startup.

Như vậy, khi phong trào khởi nghiệp nhận được sự ủng hộ của Nhà nước, số lượng startup tăng nhanh và các vườn ươm/ trung tâm ươm tạo cũng từ đó mà thành lập nhiều hơn để hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp.

Tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển AI/IoT

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM kiêm Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung nhận định rằng: “Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, chúng tôi sẽ triển khai chương trình 10 + 20. Trong đó, 10 doanh nghiệp CNTT lớn, mỗi doanh nghiệp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ ít nhất hai doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM trong hai năm liên tục (2019 - 2020), nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thông tin, phát triển sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường.

Trong thời gian sắp tới, Hội Tin học TP.HCM sẽ cùng đối tác nghiên cứu thành lập Innovation Center để đưa doanh nghiệp Việt hiện diện ngày càng nhiều hơn tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ”.

Theo thông tin từ Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, cơ quan chuyên môn đang triển khai chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2019 - 2025, trong đó, các cuộc thi khởi nghiệp đóng vai trò sân chơi nền tảng, tập trung nguồn lực, chia sẻ, định hướng nhu cầu và tiến tới giúp giải quyết các bài toán lớn của xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM chia sẻ rằng các đề án lớn sắp tới sẽ tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển AI/IoT.

Bằng chứng là các cuộc thi khởi nghiệp lớn ở TPHCM đã chứng kiến nguồn tài trợ lên đến con số hàng tỉ của các doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân. Điển hình như Tập đoàn BOSCH đầu tư 1,235 tỉ đồng cho giải thưởng và chi phí ươm tạo của cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019. Bên cạnh đó, quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc VinaCapital vừa cam kết tài trợ 1 tỉ đồng cho cuộc thi CiC 2019 lớn nhất hệ thống ĐHQG - HCM.

Các nhóm ý tưởng xuất sắc không chỉ nhận giải thưởng mà còn được gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia về kỹ năng hoàn thiện ý tưởng/sản phẩm, mô hình kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch/phương án tài chính/marketing, kỹ năng thuyết trình và gọi vốn…

Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc QTSC Incubator cho biết: “Việc đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng… chúng ta sẽ làm cho chúng thông minh, gần gũi và thân thiện hơn với người dùng. Đồng thời, cảm giác trải nghiệm, sử dụng cũng trở nên đơn giản, dễ dàng, thuận tiện.

Trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là chìa khóa giúp xã hội phát triển nhanh, văn minh, chất lượng cuộc sống được cải thiện, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh ngày càng trở nên hiện thực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ